Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Hồn quê trong phố

Dịch Covid-19 dần đi qua, nét hồn hậu và bình yên của Hà Nội quay trở lại, sôi động nhưng vẫn có những góc thầm lặng.

Giữa phố thị ồn ã của Thủ đô, vẫn còn những ngôi làng bình yên giữ nguyên nếp xưa của đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Phố Thụy Khuê dài 3,2 km, bắt đầu từ ngã ba đường Bưởi – Lạc Long Quân kéo dài đến phố Quán Thánh – đường Thanh Niên, thuộc quận Tây Hồ. 

Quận này vốn là một phường của kinh thành Thăng Long xưa nên vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính truyền thống. Thụy Khuê là con phố có nhiều di tích đình, chùa, miếu cổ đã được xếp hạng.

Đặc biệt ở đây có nhiều làng cổ, đình cổ, người dân vẫn lưu giữ phần nào nếp sinh hoạt làng xã thời xưa. Phố này vốn là phố nghề, chuyên buôn bán từ lâu đời. Xen giữa những tòa nhà cao tầng là những mái nhà cổ, có tuổi đời lên đến cả thế kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội, Bưởi là địa danh chung cho các làng từ thuở xa xưa sinh sống dọc bờ sông Tô Lịch, là một cụm sáu làng trong cùng một tổng (tổng Trung ở vùng ngoại ô thành Thăng Long) phường Bưởi nay bao gồm sáu làng cổ An Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Trích Sài, Võng Thị.

Hồn quê trong phố Hà Nội - Ảnh 1.

Con phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh: Đinh Thành Trung

Tôi đã đến làng Hồ Khẩu - ngôi làng ven hồ Tây có nếp sống độc đáo, nơi nhân dân đến lập nghiệp từ thời Hùng Vương. 

Theo sử sách, đến năm 1926, làng có 1.294 nhân khẩu. Tương truyền, sau khi hai đức Thánh của làng Hồ Khẩu giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước thắng lợi, dân làng đã mở hội khải hoàn ở cổng làng và ghi hai câu đối ở cổng giữa với nội dung đại ý rằng:  

"Nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí/ Ðến nay trẻ già còn truyền lại sự việc đó. Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Ðôi, gió mưa đã được che chở từ xưa…" 

Đây là ngôi làng có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan, trong đó có dòng họ Lý được vinh danh vì có ba vị đỗ Hương cống đầu thời Nguyễn là là ba anh em Lý Văn Phức, Lý Văn Hảo, Lý Văn Loát.

Trong ba anh em thì Lý Văn Phức nổi tiếng hơn cả, làm quan đến Tả Tham tri bộ Hộ, từng được cử đi sứ sang Trung Quốc.

Ngày nay, cuộc sống của dân làng Hồ Khẩu vẫn giữ được nét xưa, với nhiều kiến trúc cổ kính và chợ họp ngay cổng làng.

Hồn quê trong phố Hà Nội - Ảnh 3.

Đình Đông Xã vẫn giữ được bản sắc giữa Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đinh Thành Trung

Đến Đình Đông Xã, nghe người dân kể chuyện mới thấy được vì sao họ vẫn giữ được nét quê dù đã lên phố từ lâu. Quan trọng, bà con nơi đó luôn giáo dục con cháu gìn giữ nếp nhà, giữ bản sắc người Hà Nội xưa. 

Có nhiều gia tộc gốc gác ở Bưởi, họ sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa đặc sắc đậm chất làng quê ấy nên đạo đức, gia phong vãn còn rất sâu sắc. 

Dù đã trở thành phố, từng nhà đã được đánh số nhưng mỗi khi tiếp khách, họ vẫn dùng từ "làng tôi", đi đâu vẫn nói "trở về làng". Thật là một điều kỳ diệu của cuộc sống hiện đại.

Đoạn cuối con phố, về phía ngã ba chợ Bưởi có tới chục chiếc cổng làng. Nhìn những làng cổ nằm trong lòng thành phố, chúng ta có cảm giác được sống chậm lại trong hoài niệm. 

Bao nhiêu năm, nét xưa vẫn in dấu, dù cho xã hội ngày nay đã hiện đại hóa vượt bậc. Không khí dân dã, thôn quê vẫn hiện lên trong cuộc sống thường ngày của người "dân làng" thủ đô. Người dân nơi đây rất giản dị, hồn hậu và sẵn sàng giới thiệu về lịch sử ngôi làng. Đó cũng là nét văn hóa thường thấy của người Việt ta.

Hồn quê trong phố Hà Nội - Ảnh 4.

Đoạn cuối phố, xen kẽ giữa các phố xá sầm uất là những làng cổ với cổng làng vẫn giữ nguyên nét văn hóa xưa. Ảnh: Đinh Thành Trung

Những ngôi làng trên phố cũng bị cuốn theo nhịp hiện đại hóa, đô thị hóa. Đất làng ít đi, đất phố nhiều lên. Ao làng xưa đã bị thay bằng nhà cửa san sát. 

Nói là làng nhưng giờ tấc đất tấc vàng, không còn chỗ cho những sân, những vườn nữa. Làng dần chuyển thành ngõ hẹp, đó là thực tế cuộc sống, là sự phát triển tất yếu của xã hội. 

Nhưng việc giữ được những kiến trúc xưa, nếp sống, tập tục xưa đã là cả một sự cố gắng, là sự thành công của người dân nơi đây. Hiện đại hóa vẫn không đánh mất bản sắc, đó mới là điều đáng quý. Trong phố, hồn quê vẫn còn đây…

Bài viết Hồn quê trong phố dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.