Thời gian gần đây ở những thành phố lớn hoặc trên đường cao tốc diễn ra tình trạng ô tô thường xuyên đi vào dừng khẩn cấp. Đây được coi là hành vi "khôn lỏi" của 1 bộ phận tài xế mỗi khi tình trạng tắc đường diễn ra.
Thay vì việc xếp hàng chờ đợi đến lượt di chuyển, nhiều lái xe đã đi vào làn đường dừng khẩn cấp để đi nhanh hơn. Điều này không những vi phạm luật giao thông mà còn gây nguy hiểm cho những phương tiện cùng tham gia giao thông.
Theo quy định, làn dừng khẩn cấp không cho phép các loại xe hoạt động. Cụ thể, theo Điểm C, khoản 1, điều 26 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định: “Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường”.
Đối với hành vi đi ô tô vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định, người điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc sẽ bị phạt tiền ở mức 3 - 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo khoản 11, Điều 5 Nghị định này.
Trên đường cao tốc hoặc đường vành đai, làn dừng khẩn cấp được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp và các phương tiện muốn dừng lại khi gặp sự cố như hỏng hóc, cháy nổ. Khi có dấu hiệu xe gặp sự cố, tài xế hãy chủ động xi-nhan và đánh lái về phía bên phải.
Khi xe dừng lại ở làn đường khẩn cấp, việc tiếp theo của tài xế là bật đèn cảnh báo nguy hiểm và sử dụng những vật dụng như cành cây, thùng xốp để chặn đuôi xe nhằm cảnh báo các phương tiện đi cùng chiều giảm tốc độ.
Sau khi đã đảm bảo an toàn khi dừng trên làn dừng khẩn cấp, tài xế hãy có gắng tìm số điện thoại khẩn cấp (thường được ghi trên các tấm bảng báo hiệu, cột mốc) để liên hệ với dịch vụ cứu hộ trên đường cao tốc sẽ đến trợ giúp bạn khắc phục sự cố.