* Đại sứ bình luận thế nào về hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ? Cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ liệu có tạo ra bước ngoặt mới cho các bên?
- Quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trải qua 45 năm là một trong những quan hệ đối tác đầu tiên của ASEAN. Trải qua một thời gian dài hai bên đã mấy lần nâng cấp, năm 2005 là đối tác toàn diện tăng cường, 2015 là chiến lược và giờ là tiến tới đối tác chiến lược toàn diện. Điều đó thể hiện nhiều ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, ASEAN và Hoa Kỳ đều coi trọng lẫn nhau, coi trọng hợp tác đối tác tại Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Tức là không chỉ hợp tác xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, mà còn là duy trì hòa bình ổn định ở Đông Nam Á - Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, Hoa Kỳ tiếp tục dành ưu tiên cao và gắn kết với Đông Nam Á, ASEAN ở vị trí quan trọng trong chiến lược chung của các chính quyền Hoa Kỳ kể cả, chính quyền mới của Tổng thống Biden.
Việc nâng cấp quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện là mức cao nhất của ASEAN. Nhìn lại, tháng 10/2021 A đã nâng mức quan hệ này với Australia, tháng 11 với Trung Quốc. Như vậy có thể thấy chính sách kết nối các đối tác và chính sách đối ngoại của ASEAN rất rõ: ASEAN muốn tranh thủ các đối tác hàng đầu cả về chính trị kinh tế an ninh.
Bên cạnh đó, chủ trương của ASEAN trong cạnh tranh nước lớn là không chọn bên nhưng muốn chơi với tất cả các đối tác quan trọng của mình, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản..., tạo cân bằng địa chiến lược ở khu vực, qua đó, kéo các nước hợp tác vì mục đích chung của ASEAN, bảo đảm an ninh chính trị hòa bình của khu vực.
Việc nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đã tạo tầm nhìn mới, đà mới trong quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ thời gian tới. Chắc chắn các lĩnh vực hợp tác sẽ càng ngày càng tăng cường do mong muốn của hai bên như vậy.
Về địa chính trị, có những đòi hỏi mới với Mỹ và ASEAN. Thế giới và khu vực có nhiều chuyển động phức tạp như vấn đề Biển Đông, Mekong, Myanmar, Ukraine. Vì vậy hai bên đều mong muốn nhấn mạnh luật pháp quốc tế, như là trong vấn đề Biển Đông đã nhấn mạnh an ninh an toàn hàng hải đựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 UNCLOS. Con đường để đảm bảo điều này là đối thoại hợp tác, xây dựng lòng tin, không làm gì phức tạp tình hình, thúc đẩy thông qua chủ nghĩa đa phương trong đó các thể chế của ASEAN đóng vai trò quan trọng.
ASEAN có tuyên bố Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên có sự song trùng nguyên tắc nhưng có khác biệt về tính toán. Vì thế ASEAN phải nhấn mạnh tuyên bố Tầm nhìn để chia sẻ với tất cả các đối tác trong đó có Mỹ.
ASEAN cũng cần củng cố vị thế vai trò của mình, tăng cường đoàn kết và chủ động có ý kiến, sáng kiến trong các vấn đề khu vực để tạo cơ hội cho các bên dựa vào đó ủng hộ các nỗ lực của ASEAN.
Có những mô hình hợp tác mới mà ASEAN cần cân nhắc, đó là những sáng kiến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hay Mỹ liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cả an ninh và kinh tế. Rõ ràng vai trò quan trọng nhất của ASEAN là làm sao tất cả những nhóm mới đều ủng hộ mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích của khu vực là hòa bình, hợp tác, phát triển. Cạnh tranh thế nào thì cũng phải ủng hộ các mục tiêu đó.
Tựu chung lại, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt: 2 năm dịch bệnh có nhiều hệ lụy, khu vực và thế giới có các chuyển động chiến lược nhiều chiều, phức tạp. Nhưng cũng xuất hiện nhiều cơ hội. Có lẽ sau 2 năm lần đầu tiên ASEAN được tổ chức một hội nghị cấp cao trực tiếp với một bên đối tác.
Điều đó hiện 2 bên đã kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa nối lại các hoạt động kinh tế, chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển và cuộc họp sẽ tạo nên các hoạt động cho phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Hoa Kỳ đã tổ chức chu đáo, trang trọng hội nghị, thể hiện sự coi trọng đặc biệt với ASEAN: Tổng thống Biden đứng đón có cờ, có tiêu binh với từng lãnh đạo ASEAN. Tổng thống cũng chủ trì chiêu đãi, chủ trì thảo luận cấp cao với lãnh đạo ASEAN, Phó Tổng thổng thống chủ trì thảo luận chuyên đề, bố trí lãnh đạo ASEAN gặp Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện, nghị sĩ chủ chốt, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ..., thể hiện sự đặc biệt hơn so với cấp cao lần trước ở Sunnyland. Như Tổng thống Biden nói, cam kết nâng cấp sẽ mở ra chương mới trong quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ và tạo ra những hàm ý cho Việt Nam trong xu thế chung của khu vực.
* Liệu sắp tới cơ hội hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Mỹ sẽ như thế nào, nhất là khi Mỹ đã đề ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương?
- Trong tuyên bố Tầm nhìn, ngoài chính trị an ninh, hai bên còn tăng cường hợp tác kinh tế, không chỉ thương mại thông thường mà còn là các lĩnh vực kinh tế mới, bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,sạch; cấp bách là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sau dịch, phát triển kinh tế bền vững, xây dựng chuỗi cung ứng chất lượng cao, kết nối hạ tầng, biến đổi khí hậu, tranh thủ công nghệ sáng tạo, thương mại số, kinh tế số… những lĩnh vực hợp tác chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên để bước vào giai đoạn hợp tác mới, có nhiều đòi hỏi đặt ra:
Thứ nhất, Tuyên bố tầm nhìn liên quan đến hợp tác kinh tế, hai bên, nhất là đối tác Hoa Kỳ phải tiếp tục đưa ra sáng kiến, cam kết tài chính, đầu tư cụ thể hơn. Phía ASEAN cũng phải hiểu hơn cách đầu tư hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ, thấy rằng cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia. Đến nay, tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực ASEAN là trên 330 tỉ USD, theo phía Hoa Kỳ thì con số này cao hơn đầu tư của Mỹ ở 3 nước Đông Bắc Á và Australia cộng lại, chứng tỏ họ rất coi trọng thị trường này.
Thứ hai, Hoa Kỳ là nơi có tiềm năng, có thể tranh thủ những hợp tác kinh tế mang tính bền vững, chất lượng cao, đăc biệt về khoa học công nghệ, điều này rất quan trọng mà những nơi khác khó có được.
Thứ ba, các chuỗi cung ứng đứt gãy hiện nay do cạnh tranh, xung đột, dịch bệnh, nếu tăng cường hợp tác, gắn kết ASEAN – Hoa Kỳ sẽ tạo ra được chuỗi cung ứng bền vững với nền kinh tế lớn nhất Thế giới, tạo ra sự đa dạng hóa về thị trường, nguồn cung trên tất cả các lĩnh vực.
* Liệu có những e ngại nào về cạnh tranh giữa các bên khi ASEAN nâng cấp quan hệ với các nước, thưa Đại sứ?
- Việc nâng cấp quan hệ chứng tỏ ASEAN coi trọng các đối tác lớn. Trong trao đổi có e ngại việc các nước lớn cạnh tranh, nhưng từ lâu lập trường của ASEAN đã nói không chọn bên, cho rằng các nước cạnh tranh nhau nhưng phải quản trị phù hợp với lợi ích chung khu vực và luật pháp quốc tế. ASEAN không muốn đứng vào bẫy chọn bên mà muốn quan hệ tốt với tất cả các nước trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, tranh thủ những gì tốt nhất cho khu vực.
Từ lâu nay ASEAN không muốn quốc gia nào độc tôn và áp đặt lên khu vực và ASEAN. Câu chuyện đó thể hiện rất rõ và thậm chí rất dũng cảm lập trường đối ngoại của ASEAN trong quan hệ với nước lớn, kể cả khi họ hợp tác và cạnh tranh nhau ở mức phức tạp hơn.
Tôi nhớ lại khi đi đến quyết định kết nạp Nga, Mỹ vào Cấp cao Đông Á (EAS), cũng có 2 vấn đề đặt ra: Liệu kéo các nước lớn vào họ có cạnh tranh làm ảnh hưởng đến ASEAN hay không, và làm sao bảo đảm vai trò của ASEAN khi có các nước lớn. Từ năm 2010 đã bàn những chuyện đó. Đến giờ ASEAN rõ ràng hơn rất nhiều chính sách đối ngoại trong quan hệ với nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung kéo từ thời Trump 2017 đến nay, ASEAN khá nhất quán: Nguyên tắc, lợi ích khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN.
* Nhưng Mỹ tham gia các cơ chế mới như QUAD hay AUKUS thì có ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN hay không?
- Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hay rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, duy nhất ASEAN là tổ chức có gắn kết với tất cả các đối tác lớn của khu vực, cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc. ASEAN có kết nối đó không chỉ hợp tác với các bên đối tác mà còn vì hòa bình ổn định, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các đối tác đó đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).
ASEAN không chỉ kết nối với các đối tác đó mà ASEAN còn có những cơ chế khu vực để gắn kết các đối tác này, cùng tham gia hoạch định chính sách chủ trương, chương trình hợp tác ở khu vực như Cấp cao Đông Á, Diễn đàn An ninh Khu vực, ADMM+… Trong đó ASEAN duy trì vai trò chủ xướng, là bên dẫn dắt, đề ra chương trình hành động, hợp tác dựa trên lợi ích chung của khu vực và ASEAN.
Những liên minh mới như QUAD, AUKUS mới chỉ tập trung một vài lĩnh vực, về thành phần chỉ tập trung một số nước. Nếu để nhìn bao quát cả về thành viên, chương trình nghị sự, nguyên tắc đồng thuận…, ASEAN vẫn có vai trò đặc biệt mà các nước đều cần.
Những nước tham gia QUAD, AUKUS vẫn là đối tác của ASEAN. Kể cả khi họ nói về cơ chế riêng biệt thì họ đều vẫn công khai ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và đây là chính sách nhất quán của họ.
Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN – Hoa Kỳ có một số lĩnh vực hoạt động như của QUAD như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh…, nên có thể cân nhắc hình thức hợp tác giữa các cơ chế liên quan và ASEAN trên một số lĩnh vực dựa trên mục tiêu chung của ASEAN.
Xin cảm ơn Đại sứ.