Dân Việt

U23 Việt Nam vô địch SEA Games 31, một thầy giáo đề xuất đưa bóng đá là môn học bắt buộc

Tào Nga 23/05/2022 08:44 GMT+7
Ngay sau khi U23 Việt Nam giành Huy chương Vàng SEA Games 31, một thầy giáo đã đề nghị Bộ GDĐT đưa môn bóng đá vào chương trình giáo dục phổ thông và là môn học bắt buộc.

Ngay sau khi trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 khép lại với chiến thắng đầy thuyết phục của U23 Việt Nam, người dân cả nước đã có một đêm tưng bừng không ngủ. Hòa trong niềm hân hoan, tự hào ấy, một thầy giáo đã đề nghị Bộ GDĐT đưa môn bóng đá vào Chương trình giáo dục phổ thông và là môn học bắt buộc từ lớp 1-12.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội vui vẻ kể lại diễn biến câu chuyện: "Tối 22/5, người dân Việt Nam trong nước và ngoài nước đều ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi trận cầu giữa 2 đối thủ 'truyền kiếp' Việt Nam - Thái Lan. Đội tuyển nữ vô địch ngày hôm trước đang say nồng trong mỗi người nên ai cũng mong có thêm một đêm ngất ngây nữa.

U23 Việt Nam vô địch SEA Games 31, thầy giáo đề xuất đưa bóng đá là môn học bắt buộc  - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Và cuối cùng điều mong đợi đã đến. Sau 80 phút nín thở, phút 83, bằng cái đầu huyền diệu, Mạnh Dũng đã đưa bóng vào góc chết của khung thành giúp Việt Nam vô địch SEA Games 31. Trên khán đài sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng dậy vỗ tay chúc mừng. Người dân khắp nơi xúc động rơi nước mắt. Con đường đến thành công của đội bóng đá nam, nữ đầy gian nan, có mồ hôi và máu đổ… để có được nụ cười, nước mắt sung sướng hôm nay".

Trong niềm vui ngất ngây, không nghĩ ngợi nhiều, thầy Khang cho biết: "Tôi bấm điện thoại gửi tin nhắn cho Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ: "Đề nghị Bộ GDĐT đưa môn bóng đá vào chương trình Giáo dục phổ thông và là môn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Học bóng đá mới yêu nước!". Ngay tức thì, Thứ trưởng cũng đang ngồi trước tivi, ngất ngây như mọi người, gửi tin cho tôi: "Cảm ơn thầy nhiều! Khó thế đấy thầy".

Tôi cũng gửi thầy Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Thầy Thuyết cũng đang mừng vì Việt Nam vô địch. Thấy đề nghị của tôi ngồ ngộ, thầy Thuyết bấm gọi tôi. Thầy Thuyết biết "đề nghị" của tôi có tính hài hước nhưng chứa đựng vừa chia sẻ niềm vui bóng đá lại chia sẻ nỗi buồn của ngành giáo dục, có thể rơi vào tình huống "đẽo cày giữa đường" trong nay mai…Thì ra, các thầy có trách nhiệm lớn của ngành giáo dục trong cái vui chung về bóng đá, vẫn thường trực trong tâm trí trách nhiệm với quốc gia, với thầy và trò chúng tôi".

img
img
img

Phong trào thể thao tại trường Marie Curie. Ảnh: NVCC

Mặc dù chỉ là đề xuất vui của thầy Khang nhưng thực tế phong trào thể thao, đặc biệt là bóng đá ở trường Marie Curie luôn nở rộ. Thầy Khang cho biết, mỗi năm trường tổ chức 2 giải bóng đá là Giải bóng mùa thu (tháng 8, 9, 10) và Giải bóng mùa xuân (tháng 1, 2, 3). Mỗi lớp có 2 đội bóng nam/nữ, từ lớp 1 đến lớp 12.

Thầy Khang cũng tiết lộ, tinh thần tập luyện bóng đá của thầy cô và học trò luôn lên cao. Tan học chiều, sân trường vẫn còn tấp nập. Chủ nhật, cô trò cũng kéo nhau đến trường luyện tập. Trước những trận quyết định, sân trường vẫn sáng đèn đến 10 giờ đêm, bố mẹ làm "quân xanh", con làm "quân đỏ", ông bà mang chai nước... Cứ thế đường banh năm sau hơn hẳn năm trước. Quan trọng nhất, thể lực của học sinh cũng tăng lên rõ rệt. Theo thầy Khang, đó là cái "được" lớn nhất ở môn bóng đá trong trường học.