Gần 3 năm nay, mỗi khi khóa học tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù (trụ sở tại đường Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) khai giảng, các bà, các cô trong nhóm Yoga và Hội từ thiện Tỏa sáng lại tất bật chuẩn bị bữa sáng dành tặng cho học viên.
Không kể ngày mưa gió hay dịch bệnh, cứ 6 giờ sáng, tất cả các thành viên có mặt tại bếp ăn.
Chia sẻ về cơ duyên đến với Trung tâm, chị Đặng Thị Hoài - thành viên nhóm Yoga nhớ lại: "Cuối năm 2019, chúng tôi gặp thầy giáo giảng dạy tại Trung tâm và được nghe những chia sẻ về bữa ăn của các học viên người mù tại Trung tâm. Từ đó, nhóm đã quyết định dành tặng các em bữa sáng. Số tiền ăn sáng của các em sẽ được dành lại, chia đều cho bữa trưa và bữa tối".
Thầy Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù cho biết, Khóa 87 là khóa học đầu tiên của Trung tâm trong năm 2022. Khóa 87 có 7 loại hình lớp với 80 học viên tham gia học tập đến từ các địa phương trên cả nước.
Về đây học, các học viên được hỗ trợ ăn 30.000 đồng/ngày. Số tiền này sẽ được chia đều cho 3 bữa ăn với tỉ lệ tiền chia theo bữa ăn sáng - trưa - tối là 6-12-12.
Để có được những bữa ăn dành tặng cho học viên tại Trung tâm, các bà, các cô đã không quản ngại những ngày mưa gió, dịch bệnh và đường sá xa xôi. "Ban đầu, nhóm từ thiện quyên góp từ chính các thành viên trong nhóm. Mỗi người một ít sẽ được bữa ăn cho các cháu. Sau đó, từ mạng xã hội và các mối quan hệ của mỗi thành viên nhóm lại kêu gọi ủng hộ thêm.
Trong trường hợp không xin được từ bên ngoài, các thành viên tiếp tục dành những đồng tiền lương của mình để lo bữa ăn từ thiện này. Các cháu đã quá thiệt thòi rồi" - Bà Trần Thị Minh Hà - Trưởng nhóm Từ thiện Tỏa sáng chia sẻ.
"Khi được sự hỗ trợ về bữa sáng từ nhóm từ thiện, số tiền ăn Nhà nước hỗ trợ Trung tâm sẽ chia đều thành 2 bữa trưa và tối. Vì vậy, chất lượng cho bữa ăn của học viên được tăng lên. Sự hỗ trợ bữa ăn sáng không chỉ mang lại ý nghĩa về kinh tế, giúp đỡ cho Trung tâm, học viên khiếm thị có được bữa ăn đầy đủ dưỡng chất. Đó còn là sự quan tâm, sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng với người khiếm thị. Đây chính là động lực để các học viên cố gắng vươn lên trong học tập, yên tâm, tự tin tìm kiếm việc làm, hòa nhập với cộng động" - Thầy Phạm Xuân Trường bày tỏ.