Dân Việt

4 năm tranh chấp đất với Trường ĐH Giao thông Vận tải: "Mong sớm có phán quyết công tâm của tòa"

Thiên Tường 24/05/2022 07:10 GMT+7
Suốt 4 năm tranh chấp quyền sử dụng đất với Trường ĐH Giao thông Vận tải, người dân mong tòa án sớm có phán quyết công tâm để ổn định cuộc sống.

Bà Chu Thị Lộc (SN 1940), ngụ TP.Hà Nội vừa làm đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.Thủ Đức và hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất với Trường ĐH Giao thông Vận tải.

4 năm tranh chấp chưa có hồi kết

Bà Lộc cho biết, ngày 10/7/1992, Trường ĐH Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 97/QĐ với nội dung giao đất cho cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) tự sửa chữa, xây dựng chỗ ở và có trách nhiệm rào kín đường biên để trường được an toàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho CB-CNV yên tâm công tác lâu dài tại Cơ sở 2 Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM (Q.9, nay thuộc TP.Thủ Đức). Nhà cửa xây dựng để ở trong vòng 2 năm, không được chuyển giao cho người khác. Đất được phân là đất của trường, không được nhượng, bán.

Tranh chấp đất giữa Trường Đại học GTVT và người dân: "Cần phán quyết công tâm của tòa" - Ảnh 1.

Quyết định giao đất của Trường ĐH Giao thông Vận tải cho chồng bà Lộc, ông Nguyễn Hồng Ửng. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Hồng Ửng (chồng bà Lộc, đã mất 2012- PV), nguyên là cán bộ của trường được giao phần đất làm nhà với diện tích 150m2, diện tích sử dụng thực tế là 220m2 thuộc một phần thửa số 6, tờ bản đồ số 22 tại địa chỉ C1/1 đường Lê Văn Việt, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9.

Sau khi nhận được đất, bà Lộc xây dựng tường bao và một căn nhà cấp 4 lợp ngói, hai căn nhà cấp 4 lợp tôn, trong khuôn viên còn một phần đất trống làm sân và sử dụng ổn định từ đó đến nay, không xảy ra tranh chấp. Sau nhiều năm sử dụng, căn nhà bị xuống cấp trầm trọng, bà Lộc có đơn gửi UBND phường Tăng Nhơn Phú A xin sửa chữa.

Ngày 16/9/2019, Phân hiệu (chuyển từ Cở sở 2) Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM có công văn số 1573/ĐHGTVT-TPHCM về việc ngăn chặn xây dựng, sửa chữa và sang nhượng nhà đất trái phép đối với các hộ dân đang sinh sống trên phần đất thuộc nhà trường quản lý.

Tranh chấp đất giữa Trường Đại học GTVT và người dân: "Cần phán quyết công tâm của tòa" - Ảnh 2.

Ngôi nhà của bà Chu Thị Lộc hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NVCC

Sau đó, UBND phường Tăng Nhơn Phú A không đồng ý cho bà Lộc sửa chữa nhà. Vì quá bức xúc, bà Lộc làm đơn khởi kiện ra TAND quận 9 (nay là TAND TP. Thủ Đức). Bà yêu cầu tòa án công nhận quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà và đất có diện tích đất 220m2 của gia đình bà tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức.

Tuy nhiên, sau khi đo đạc thực tế thì phần đất gia đình bà Lộc sử dụng là 221,4m² nên bà Lộc thay đổi yêu cầu được công nhận phần diện tích 221,4m² và nhà trên đất đó của gia đình bà.

Theo nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 1993/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 của TAND TP.Thủ Đức, Tòa chấp nhận yêu cầu của bà Chu Thị Lộc, công nhận quyền sử dụng hợp pháp nhà (diện tích 140,2m²) và đất (diện tích 221,4m²) thuộc thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, Bộ địa chính phường Tăng Nhơn Phú A (theo tài liệu năm 2003), nay thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức cho bà Chu Thị Lộc.

Bà Chu Thị Lộc được quyền liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên phần đất nêu trên theo quy định pháp luật khi án có hiệu lực pháp luật. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Trường ĐH Giao thông Vận tải.

Sau đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP.Thủ Đức. Ngày 22/11/2021, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.Thủ Đức ban hành Quyết định số 492/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 1993/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 của TAND TP.Thủ Đức.

Không đồng ý với Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức, bà Lộc tiếp tục làm đơn khiếu nại.

Mong sớm có phán quyết công tâm

Theo Bản án phúc thẩm số 181/2022/DS-PT ngày 21/4/2022 của TAND TP.HCM, Tòa chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.Thủ Đức và kháng cáo của Trường Đại học GTVT, sửa bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Chu Thị Lộc về việc yêu cầu Tòa công nhận quyền sử dụng diện tích 221,4m2, thuộc một phần thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Buộc bà Chu Thị Lộc trả lại diện tích đất 221,4m2 thuộc một phần thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Gia đình bà Chu Thị Lộc có trách nhiệm tháo dỡ nhà và tài sản trên đất để bàn giao đất cho Trường ĐH Giao thông Vận tải.

Tranh chấp đất giữa Trường Đại học GTVT và người dân: "Cần phán quyết công tâm của tòa" - Ảnh 4.

Bà Chu Thị Lộc (82 tuổi) mong TAND cấp cao tại TP.HCM sớm có phán quyết công tâm để ổn định cuộc sống. Ảnh: NVCC

Sau bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, bà Lộc đã làm đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP.Thủ Đức và hủy bản án phúc thẩm số 181/2022/DS-PT ngày 21/4/2022 của TAND TP.HCM.

Chia sẻ với phóng viên, bà Lộc bức xúc: "Chồng tôi là người có nhiều cống hiến cho Trường ĐH Giao thông Vận tải, căn nhà là vật duy nhất mà ông để lại cho vợ con trước khi qua đời. Gia đình tôi chỉ xin công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp để yên tâm sinh sống chứ không hề có ý định chuyển nhượng. Chỉ mong TAND Cấp cao tại TP.HCM sớm có phán quyết công tâm để đảm bảo quyền lợi cho gia đình tôi".

Luật sư Nguyễn Duy Binh – Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với phán quyết của Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND TP.Thủ Đức đã tuyên vào ngày 9/11/2021 vì Hội đồng xét xử sơ thẩm đã căn cứ vào quy định của pháp luật đất đai hiện hành và nguồn gốc, quá trình sử dụng đất hợp pháp, ổn định và liên tục từ năm 1992 đến nay, từ đó chấp thuận yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của bà Lộc.

"Theo Quyết định số 97 của Trường ĐH Giao thông Vận tải, việc giao đất cho gia đình ông Ửng dùng vào mục đích để ở, sử dụng ổn định, lâu dài, không có thời hạn. Về quá trình sử dụng nhà và đất, gia đình ông Ửng, bà Lộc đã sử dụng đúng mục đích, liên tục và ổn định từ năm 1992 đến nay, không có tranh chấp, tuân thủ các điều kiện, quy định tại Quyết định 97. Mặt khác, căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lộc là hoàn toàn có thể được chấp nhận", Luật sư Nguyễn Duy Binh nhận định.

Ngoài ra, luật sư Binh cũng cho biết thêm, vụ việc tranh chấp nhiều năm gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, do vậy, TAND Cấp cao tại TP.HCM cần nhanh chóng xem xét, đưa ra phán quyết kịp thời, đúng theo quy định pháp luật, tránh để khiếu nại kéo dài.