Dân Việt

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông giúp nông dân yên tâm sản xuất

Khánh Nguyên 25/05/2022 08:20 GMT+7
Gửi tâm tư, kiến nghị đến Thủ tướng trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư tại Sơn La ngày 29/5 tới, nhiều chuyên gia, nông nghiệp mong muốn Chính phủ, ngành chức năng, các địa phương kiện toàn lại hệ thống thú y, khuyến nông cơ sở phục vụ cho việc giám sát dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Tâm tư gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Mong kiện toàn hệ thống thú y, khuyến nông

Là một cán bộ khuyến nông cơ sở, ông Hoàng Trọng Ngãi (69 tuổi, ở thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, công việc chính của ông là theo dõi tình hình sâu bệnh của từng khu vực, có vấn đề gì phát sinh thì triển khai tới trưởng thôn, đề xuất, hướng dẫn trực tiếp cách xử lý trên đồng ruộng, sau đó báo cáo chính quyền địa phương xin ý kiến chỉ đạo.

"Làm khuyến nông là phải trực tiếp từ đồng ruộng chứ không thể ngồi đợi công văn rồi mới xuống cơ sở, bởi chậm một nhịp là có thể mất thời cơ vàng diệt trừ sâu bệnh hoặc chăm sóc cây trồng" - ông Ngãi nói.

Bên cạnh đó, ông cũng là người tiên phong tiếp cận thông tin, tiến bộ kỹ thuật mới rồi truyền đạt, phổ biến lại cho người dân, hướng dẫn bà con làm theo. Từ năm 2015, ông là người đầu tiên đưa giống ngô mới về Đức Bác.

Tuy nhiên, theo ông Ngãi, hiện nay, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở rất thấp.

"Nếu chỉ nhìn vào đồng phụ cấp thì không ai muốn làm vì phụ trách khối lượng công việc lớn nhưng tôi chỉ được hưởng 0,8% mức lương tối thiểu, là 1,192 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, đổ vài bình xăng đi thăm đồng là hết", ông Ngãi nói.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông giúp nông dân yên tâm sản xuất - Ảnh 1.

Ông Hoàng Trọng Ngãi (69 tuổi, ở thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc giống ngô biến đổi gen cho nông dân. Ảnh: K.N

Cũng chính vì mức phụ cấp thấp nên nhiều cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở đã bỏ đi làm việc khác. Trong khi đó, ông Ngãi cho biết, hiện nhiều địa phương còn sáp nhập hệ thống thú y, khuyến nông vào trung tâm dịch vụ nên chỉ đạo ngành dọc đến cấp huyện gần như "đứt gãy".

Để đảm bảo hoạt động của khuyến nông viên cơ sở, ông Ngãi kiến nghị, các địa phương, ngành chức năng cần có chính sách duy trì đội ngũ này vì hiện nay khuyến nông cấp huyện không có "quân" nên rất khó triển khai công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh.

Cần có giải pháp tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông

Kiến nghị, đề xuất chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư tại Sơn La ngày 29/5, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, cần sớm kiện toàn lại hệ thống khuyến nông, thú y cơ sở.

"Làm việc ở cơ quan nghiên cứu khoa học về nông nghiệp nhiều năm, tôi nhận thấy trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, vai trò của khoa học công nghệ rất cấp thiết. Làm thế nào để chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong thời gian ngắn nhất để bà con làm chủ công nghệ, đổi mới sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do vậy, rất cần các ngành chức năng vào cuộc, chuyển giao tiến bộ đến tay nông dân" - PGS.TS Đào Thế Anh khẳng định.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng một thế hệ nông dân mới, văn minh, hiện đại, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái. Trong quá trình chuyển đổi này, nông dân rất cần tiếp cận các kiến thức mởi về nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế ở nhiều địa phương, hệ thống khuyến nông, thú y - lực lượng quan trọng để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân lại đang có xu hướng tinh gọn, sáp nhập, điều này khiến việc tiếp cận tiến bộ kỹ thuật của nông dân khó khăn, trong khi nhu cầu của bà con là rất lớn.

"Do vậy, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư tại Sơn La, tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng có giải pháp tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông.

Thực tế, hệ thống này không chỉ phải sử dụng ngân sách nhà nước mà có thể huy động từ cộng đồng, sự hợp tác của doanh nghiệp, có thể xây dựng các hợp tác xã làm khuyến nông bằng cách tăng năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã để làm cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, nếu chuyển đổi số sẽ tăng cường kết nối, tư vấn từ xa thông qua các app, diễn đàn, từ đó cải thiện công tác khuyến nông" - PGS.TS Đào Thế Anh khẳng định.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông giúp nông dân yên tâm sản xuất - Ảnh 2.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam, nhiều chuyên gia, nông nghiệp mong muốn Chính phủ, ngành chức năng, các địa phương kiện toàn lại hệ thống thú y, khuyến nông cơ sở phục vụ cho việc giám sát dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La chăm sóc đàn bò. Ảnh: N.C

Trước đó, Cục Thú y, Bộ NNPTNT cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, các địa phương sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, trong thời gian tới cần rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về lâu dài, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thú y, tăng cường năng lực ngành thú y, nhân lực, trang thiết bị, việc hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và đề xuất trong quá trình tổng kết, đánh giá thi hành Luật Thú y, bảo đảm tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh động vật thì việc nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y cơ sở cũng rất quan trọng vì dịch bệnh ngày càng có những biến đổi khó lường.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong 2 ngày 28 - 29/5/2022, tại Sơn La sẽ diễn ra chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 và Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam.

Với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", Hội nghị sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại 62 điểm cầu trên cả nước.