Theo Reuters, đồng Ruble tăng giá trị một phần là do các công ty tập trung vào xuất khẩu bán ngoại tệ để trả thuế cộng thêm việc Moscow nới lỏng kiểm soát vốn.
Vào lúc 7 giờ 25 phút ngày 24/5 (giờ GMT), đồng Ruble tăng hơn 0,7% giá trị so với đồng USD và giao dịch ở mức 57,44 Ruble đổi 1 USD sau khi đạt mức 56,61 Ruble đổi 1 USD trên Sở giao dịch Moscow, lần đầu tiên trong vòng hơn 4 năm qua.
Ngoài ra, so với đồng euro, đồng Ruble tăng 0,9% lên 59,57 Ruble đổi 1 euro, dao động gần mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Đồng Ruble đã tăng giá trị khoảng 30% so với đồng USD trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng thấy nhằm vào Nga.
Ngày 24/5, đồng Ruble của Nga mạnh lên mức chưa từng thấy so với đồng USD kể từ tháng 3/2018. Ảnh: Reuters
Sức mạnh của đồng Ruble làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đến thu ngân sách của Nga từ xuất khẩu. Hôm 23/5, Nga cắt giảm tỉ trọng thu ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi thành Ruble từ 80% xuống còn 50%.
Ông Dmitry Polevoy, giám đốc bộ phận đầu tư tại Công ty LockoInvest (Nga), cho biết mặc dù Moscow nới lỏng việc kiểm soát vốn, đồng Ruble vẫn có thể duy trì ở mức 55 Ruble đổi 1 USD thời gian tới.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư Sinara dự báo đồng Ruble có thể quay trở lại mức 60-65 Ruble đổi 1 USD vào tháng 6.
Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, giá trị đồng Ruble đang yếu hơn. Chẳng hạn Sberbank chào bán USD và euro (tiền mặt) với giá lần lượt là 58,2 và 60,38 Ruble.
Cùng ngày 24/5, Reuters đưa tin giá dầu có lúc giảm 1 USD do lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra, hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc ảnh hưởng đến nguồn cung và kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu tăng trong mùa hè ở Mỹ.
Khu dự trữ dầu mỏ chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: Reuters
Giá dầu thô Brent đã giảm 56 cent, tương đương 0,5% xuống 112,86 USD/thùng vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 24/5 (giờ GMT). Giá dầu thô Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 72 cent, tương đương 0,7% xuống 109,57 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng trong năm nay với giá dầu thô Brent chạm ngưỡng 139 USD/thùng vào tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, làm trầm trọng thêm lo ngại về nguồn cung.