Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa lý giải về nguyên nhân việc giá sách giáo khoa (SGK) tăng gấp 2-3 lần so với trước. Theo đó, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rốt ráo để giá SGK giảm 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Mỗi năm phải mua một bộ sách mới?
Những ngày qua, thông tin giá SGK tăng mạnh khiến nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc, không đồng tình. Sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin về nguyên nhân việc tăng giá, phụ huynh lại càng phản ứng, bức xúc mạnh mẽ hơn trên mạng xã hội. Đa số phụ huynh đều cho rằng, việc mỗi năm phải mua một bộ sách mới toanh với mức giá tăng cao và chỉ sử dụng trong một năm học là lãng phí, gây áp lực lớn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với Dân Việt, anh N.D. (phụ huynh tại quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chưa kết thúc năm học cũ đã nghe những thông tin như tăng học phí, giá SGK tăng… khiến anh rất lo lắng, bức xúc.
Anh có hai người con, một sắp lên lớp 2 và một vào lớp 3. Sau một năm học, "sách của đứa lớn lẫn đứa bé học xong chỉ để… bán ve chai chứ không thể tận dụng lại". Bước vào năm học mới, SGK cải cách phải mua bộ mới cho con học, SGK cũ đã được làm bài tập vào trong sách, không sử dụng lại được.
"Tôi thấy thật sự rất lãng phí. Một bộ sách hàng chục quyển giá cả triệu đồng nhưng chỉ phục vụ học tập cho một học sinh trong một năm học. Con tôi học giữ gìn sách rất sạch sẽ, đến gần cuối năm mà sách vẫn còn mới tinh nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì, rồi cũng gom lại bán giấy vụn. Không biết ngành giáo dục có thấy sự lãng phí này và nỗi khổ của những phụ huynh nghèo khi phải chắt chiu, dành dụm để mua bộ sách mới hay không?", anh D. nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, anh D. cho biết, điều phụ huynh quan tâm chính là chất lượng kiến thức ở trong SGK truyền tải cho học sinh chứ không phải ở yếu tố "khổ to, giấy tốt".
"Một bộ sách có giấy tốt, có khổ to nhưng kiến thức truyền tải, chương trình giảng dạy, kỹ thuật biên soạn không phù hợp với cấp học thì việc tăng giá liệu có chính đáng hay không? Chưa kể, tại sao phải in khổ to, giấy tốt, tăng giá thành… nhưng chỉ sử dụng một năm học thôi? Nếu năm sau học sinh phải thay sách khác thì tại sao không nghiên cứu, sản xuất ở mức độ vừa phải để giảm giá thành, tránh lãng phí?", anh D. nêu thắc mắc.
Tương tự, chị V.T.H., một người mẹ đơn thân nuôi 5 con tại quận 12 cũng "nóng ruột" với hàng loạt các khoản tăng giá trong năm học tới. Chị cho biết, với những gia đình có đủ điều kiện hoặc ít khó khăn thì việc "nhín" thêm một chút để mua SGK mới cho con học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những gia đình lao động nghèo, thu nhập bấp bênh, việc bỏ cả triệu bạc để mua SGK, đồ dùng học tập cũng như nộp các khoản đầu năm như đồng phục, bảo hiểm… là cả một nỗi lo lớn.
"Đâu phải cứ sống tại thành phố là có tiền. Ví dụ bản thân tôi phải ráng cày cuốc, nai lưng cả ngày cả đêm nhưng vẫn chưa đủ tiền trang trải thuê trọ, ăn uống, học phí... các kiểu. Giờ vật giá leo thang, tất cả mọi thứ đều tăng giá, trong khi thu nhập thì vẫn đứng yên một chỗ. Trước đây, tôi đi xin sách cũ cho mấy đứa con học. Sau này, chuyển qua sách mới nên phải mua, mà đâu có được mua mấy cuốn chủ lực, phải mua nguyên bộ. Đứa trước học xong, không để lại cho đứa sau được... nên chuyện sách vở, dụng cụ học tập cho con cái trở thành áp lực rất lớn", chị H. than thở.
Ở một góc nhìn khác, chị H.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, bỏ qua việc giá sách tăng cao gây ra rất nhiều khó khăn thì việc tăng khổ sách cũng khiến trọng lượng của các cuốn SGK tăng. Đây là một vấn đề đáng để bàn luận.
Chị T. nhìn nhận, hiện nay học sinh đi học 1 buổi có 5 tiết, trung bình 3 môn với 3 quyển vở, 3 quyển sách, đề cương, bài tập nâng cao (trường nào học 2 buổi thì nhân gấp đôi), cộng thêm bút, bình nước, khẩu trang, sữa... tất cả dồn vào một chiếc cặp.
"Không phải trường nào cũng cho phụ huynh đưa trẻ vào để xách cặp giúp cặp cho con. Nhìn các bé, nhất là lớp 1, lớp 2 còn nhỏ xíu mà phải "tha" một cái cặp nặng trịch trên vai, thật sự rất khó chịu. Nếu SGK sản xuất theo khổ to hơn, giấy giày hơn… thì chắc chắn trọng lượng cũng tăng thêm, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe, cột sống của trẻ. Rất mong các cơ quan liên quan hãy đưa mình vào vị trí của học sinh và phụ huynh, xem điều kiện thực tế của người dân để có sự điều chỉnh phù hợp", chị T. nói.
Một giáo viên tiểu học tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, sau gần một năm dạy sách mới cho học sinh lớp 1, nhận thấy sách dù mới in nhưng không chắc chắn, keo dán không đảm bảo và rất dễ bị bung. Học sinh chỉ cần lật vài lần là cuốn sách đã chia thành mấy phần không còn dính vào với nhau.
"Đúng là về mặt hình ảnh, màu sắc của sách mới rất sinh động, hình ảnh rõ nét. Tuy nhiên, do sử dụng giấy bóng loáng nên khi học dưới ánh đèn sẽ bị lóa mắt, rất khó để đọc sách. Đối với sách các lớp khác cũng vậy, trừ sách tiếng Anh và Tin học còn lại đều bị lóa sáng. Thiết nghĩ, nếu tăng giá thành, sử dụng giấy dày hơn thì nên đổi loại giấy in sách, dùng giấy mờ, sần để giảm chói lóa mắt học sinh", vị giáo viên chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, thông qua Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, được biết chất lượng của SGK sẽ tốt hơn nên giá in ấn, phát hành cao hơn. Đây là việc của nhà xuất bản nên không bàn đến.
Tuy nhiên, dưới góc độ của một phụ huynh, thầy Phú cần một bộ SGK giá thấp mà học sinh vẫn có thể học được chứ không cần bộ sách phải quá tốt, giá thành cao.
Vấn đề thứ hai, SGK của năm này đã học rồi thì năm sau vẫn có thể học được. "Các trường có thể thu gom sách cũ để tặng cho học sinh lứa sau hoặc gửi cho những trường ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề quan trọng, không thể cứ năm này in sách rồi năm sau tái cấu trúc cuốn sách, bắt học sinh mua mới và sách năm cũ bỏ đi".
Tiếp đó, thầy Phú cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có quy định SGK sử dụng trong thời gian bao lâu, 10 hay 20 năm, tránh tình trạng mỗi năm lại thông báo hiệu chỉnh và bán sách mới.