ĐBQH nêu giá sách giáo khoa tăng vọt: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích thế nào?

PVKT Thứ tư, ngày 25/05/2022 13:12 PM (GMT+7)
Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa cao gấp 2 – 3 lần, đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ một số thông tin tại phiên họp tổ sáng nay 25/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Bình luận 0

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5 Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

ĐBQH đặt vấn đề về giáo viên và giá sách giáo khoa bộ mới

Tại phiên họp tổ, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết, hàng năm Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về lộ trình tiến độ triển khai sách giáo khoa. Trong quá trình thực hiện cử tri có ý kiến về nội dung sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu và điều chỉnh lại.

"Tôi đánh giá cao về việc Bộ GD&ĐT rất nghiêm túc, với tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến cử tri khi phát hiện ra các vấn đề sai sót trong quá trình triển khai và đã tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện triển khai sách giáo khoa trong thời gian qua", đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Khẳng định chương trình tổng thể Bộ GD&ĐT xây dựng đã thể chế hóa Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội,... trong đó quy định từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở là cấp cơ bản, còn cấp trung học phổ thông là định hướng nghề nghiệp. Đại biểu nhất trí cao về vấn đề này, tuy nhiên qua nắm bắt thông tin việc triển khai sách giáo khoa mới theo đại biểu Dương Minh Ánh đang có nhiều vấn đề đặt ra mà Bộ GD&ĐT cần quan tâm, đặc biệt là sách giáo khoa trung học phổ thông.

Giá sách giáo khoa tăng vọt: ĐBQH, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói gì? - Ảnh 1.

ĐBQH đặt vấn đề về giáo viên và giá sách giáo khoa bộ mới tại phiên họp tổ sáng 25/5. (Ảnh: QH)

Theo đó, đại biểu Dương Minh Ánh nêu 3 vấn đề. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT quy định nghệ thuật nằm trong số các môn học, trong đó có mĩ thuật và âm nhạc. Theo quy định chỉ riêng mĩ thuật có 10 nội dung, học sinh chọn 4/10 nội dung phải học, môn âm nhạc cũng tương tự. Vấn đề đặt ra là đội ngũ nhà giáo để đáp ứng các môn học này theo thông tin đại biểu nhận được là chưa có. "Bộ có phương án chỉ đạo ra sao và có phương án thế nào để khắc phục?", đại biểu đặt câu hỏi.

Thứ hai, theo đại biểu Ánh, giá phát hành sách giáo khoa cao cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt qua đại dịch Covid-19 người dân gặp khó khăn vậy Chính phủ có giải pháp gì hỗ trợ cho gia đình khó khăn như giảm giá sách hay hỗ trợ giá sách giáo khoa hay không? Chưa kể sách giáo khoa không sử dụng lại được cũng là vấn đề hết sức lãng phí.

Thứ 3, việc ảnh hưởng tâm lý của học sinh sau đại dịch. Trong thời gian qua nhiều học sinh tự tử điều này đáng phải suy ngẫm. Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đã kịp thời chỉ đạo giảm tải nội dung học, tăng cường tư vấn học đường,...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "không thanh minh, giải thích cho doanh nghiệp, nhưng..."

Về vấn đề chưa có giáo viên triển khai một số môn học trong chương trình giáo dục mới như đại biểu Dương Minh Ánh trao đổi, trả lời tại tổ, đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết, các trường đang triển khai, nếu trường hoặc Sở GD&ĐT nào khó khăn sẽ trao đổi với Bộ.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đến hiện tại các nơi đều đang triển khai. Trong các cuộc làm việc trực tuyến với các Sở, địa phương, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ráo riết về đội ngũ giáo viên, định hướng tăng cường đào tạo các lĩnh vực này trong các trường sư phạm.,... tiến từng bước đảm bảo đầy đủ giáo viên cho các bộ môn này.

"Lo ngại thiếu giáo viên trong thời điểm này là đúng nhưng thực hiện cần có lộ trình, không thể một sớm một chiều được", đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Giá sách giáo khoa tăng vọt: ĐBQH, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói gì? - Ảnh 3.

Giá sách giáo khoa giảm so với năm trước. (Ảnh: MH)

Về giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Kim Sơn cho biết dư luận vừa qua xôn xao về việc giá sách giáo khoa tăng 2 – 3 lần. Đại biểu cho rằng, ông không thanh minh hay giải thích cho các doanh nghiệp nhưng ông cung cấp thông tin thêm cho các đại biểu nắm được.

Cụ thể, nếu so với sách hệ thống cũ (nhà nước tổ chức trước đây) thấy giá thành khác nhau nhưng so sánh này chưa phù hợp. Thay vào đó, khi so sánh giá sách cần có sự so sánh tương đồng, tức là so sánh giá bộ sách mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau, hay nói cách khác là cùng hệ thống biên soạn mới theo chủ trương Quốc hội là xã hội hóa. Các bộ sách này khổ lớn hơn, giấy tốt hơn quy trình biên soạn đến giới thiệu thử nghiệm cho đến phát hành các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm các phần việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

"Các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 là sách nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định,... khổ nhỏ hơn, giấy xấu và số lượng khác giá bộ này dao động từ 50 nghìn – 100 nghìn. Giá bộ sách mới giá thành dao động từ 200 nghìn – 300 nghìn. Dưới sự chỉ đạo ráo riết các bộ sách lớp 3, 7 hay 10 như giá bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục năm nay giảm từ 10% đến 15% so với bộ sách mới tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên", Bộ trưởng Sơn thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Sơn, về thông tin trên mạng xã hội sách giáo khoa không dùng lại được, các sách theo bộ mới biên soạn hoàn toàn dùng lại được chứ không phải sách dùng một lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem