Tên lửa chống tăng Spike được sản xuất tại Đức theo giấy phép của Israel và phải được Tel Aviv chấp thuận việc xuất khẩu. Hồi đầu tháng, Lầu Năm Góc đã yêu cầu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Israel phê duyệt trong chuyến thăm của ông tới Washington, nhưng bị từ chối.
Israel lo ngại rằng các binh sĩ Nga có thể bị giết bởi vũ khí do Israel sản xuất, điều này sẽ dẫn đến việc Moscow xung đột với Tel Aviv ở Syria, một quan chức cấp cao ẩn danh của Israel nói với Axios.
Vấn đề được đưa ra cách đây hai tuần, khi quan chức quốc phòng cấp cao của Israel, Amir Eshel, đến thăm Lầu Năm Góc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã đề nghị cho Đức xuất khẩu tên lửa Spike sang Ukraine. Tuy nhiên ông Eshel nói không, đồng thời nhấn mạnh rằng Israel sẽ chỉ cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự không gây sát thương.
Hôm 18/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã tới Washington để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, tuy nhiên các quan chức này không nhắc đến việc chuyển giao tên lửa Spike trong buổi họp. Cũng trong hôm ấy, Israel thông báo họ đã gửi 2.000 mũ bảo hiểm và 500 áo bảo hộ đến Ukraine.
Lầu Năm Góc không chính thức bình luận về báo cáo.
Được phát triển bởi Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel, Spike lần đầu tiên được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn chống tăng hoặc đầu đạn nổ sát thương cao, được dẫn đường bởi người điều khiển hoặc bắn theo đường ngắm. Mỹ và một số đồng minh NATO đã trang bị tên lửa này trên các trực thăng tấn công.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và các đồng minh đã vận chuyển hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không đến Ukraine, cũng như pháo, xe bọc thép, xe tăng và trực thăng. Nga tuyên bố phần lớn số vũ khí đó sẽ bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình.
Cũng đã có một số xích mích xảy ra giữa các đồng minh NATO. Cụ thể, Ba Lan cáo buộc Đức không gửi xe tăng Leopard cho mình để thay thế hàng trăm chiếc T-72 mà Warsaw đã gửi đến Kiev.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm 25/5, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết tình hình ở Donbass là "cực kỳ tồi tệ", lưu ý rằng lực lượng của họ sẽ không thể tiếp tục tấn công trừ khi Mỹ gửi thêm nhiều hệ thống phóng tên lửa (MLRS).