Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung có ý kiến khác của dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).
Trong phát biểu góp ý, ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho biết, ông bảo lưu quan điểm bỏ quy định báo cáo thành tích trong hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng tại Điều 84.
"Việc viết báo cáo thành tích liệu có rèn con người đức tính khiêm cung hay không khi bản thân phải kể lể, tường thuật những thành tích để cơ quan nhà nước xem xét. Mới đây việc 4 vận động viên được đề xuất trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì thì liệu có phải viết báo cáo thành tích hay không hay áp dụng thủ tục, hồ sơ đơn giản trong khi sự khổ luyện của họ có thể phải đánh đổi cả quãng đời tuổi trẻ mà cái đích cuối cùng không chỉ để vượt qua những giới hạn của bản thân mà còn mang về vinh dự, vinh quang cho Tổ quốc chứ không chỉ là các danh hiệu thi đua.
Một khi ngành Nội vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng, cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức… đồng thời trong hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng đã có tờ trình, biên bản bình xét và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền thì báo cáo thành tích có cần thiết hay không vẫn chưa được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra làm rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật tại kỳ họp này", ĐBQH Phạm Trọng Nhân nói.
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) bày tỏ, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng khen thưởng, các lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước, góp phần khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy công tác thi đua, khen thưởng trong các hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng lao động, thực hiện tốt công tác sinh xã hội, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Đề cập về những quy định về danh hiệu thi đua, khen thưởng tại một số nơi trong thời gian qua chủ yếu vẫn được đề nghị ở một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, ĐB Đào Chí Nghĩa nêu nguyên nhân của vấn đề này là do một phần ảnh hưởng bởi tiêu chí về tỷ lệ và tính liên tục trong công tác thi đua nên các danh hiệu này chưa thật sự được tiếp cận đến đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, cán bộ cấp cơ sở và người lao động.
Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.
ĐB Trần Thị Thu Hằng đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật quy định xét duyệt đặc cách danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", "Nhà giáo Ưu tú" đối với nhà giáo lão thành trên 70 tuổi và các nhà giáo, quản lý giáo dục đã nghỉ hưu không còn tiếp tục giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
4 vận động viên được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì gồm: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh); Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên (bơi) và Nguyễn Thị Hương (đua thuyền).
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh, giành 3 HCV ở 3 nội dung 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật, phá 1 kỷ lục SEA Games ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng, giành HCV bơi lội (trong đó 4 HCV các nội dung cá nhân: 400m tự do, 1.500m tự do, 800 m tự do, 200m bướm và 1 HCV nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam), phá 2 kỷ lục SEA Games nội dung 400m tự do và tiếp sức 4x200 m tự do nam.
Vận động viên Trần Hưng Nguyên giành HCV 200m hỗn hợp nam, 400m hỗn hợp nam, 4x200m tự do và 200m ngửa nam. Trong đó, nội dung 200m ngửa nam, Việt Nam chưa từng có HCV SEA Games.
Vận động viên Nguyễn Thị Hương xuất sắc giành 5 HCV, trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội môn đua thuyền canoeing.