Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sẽ tính đến việc tăng giá bảo hiểm y tế

Huyền Anh Thứ năm, ngày 26/05/2022 18:22 PM (GMT+7)
Hôm nay (26/5), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bình luận 0

Góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu tán thành việc ban hành Luật Khám, chữa bệnh, cũng như các mục đích, quan điểm chỉ đạo, sửa đổi Luật như đã nêu tại Tờ trình Chính phủ.

Nên quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh, tránh "loạn giá"

Nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và đảm bảo tôn trọng quyền của người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong Điều 4 của Dự thảo có quy định 5 nhóm chính sách, trong đó có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khuyến khích như nào, dự thảo lại không quy định rõ.

Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hoá các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, cơ chế tài chính, thu hút vốn đầu tư và trí thức từ nước ngoài… nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sẽ tính đến việc tăng giá bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh BVCC)

Về sử dụng ngôn ngữ của người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam trong khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc quy định người nước ngoài hành nghề phải biết tiếng Việt thành thạo sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề, của cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa do lỗ phiên dịch. Tuy nhiên, cần cân nhắc tránh việc tạo rào cản việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến về khám chữa bệnh trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay.

"Chúng ta không nên đặt rào cản ngôn ngữ mà thay vào đó nên quản lý chặt chẽ về chuyên môn và chất lượng phiên dịch sẽ phù hợp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong nước hơn", đại biểu nhấn mạnh.

Đối với quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo các đại biểu việc cho phép cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh. Theo các đại biểu, cần quy định khung giá đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì hiện nay có tình trạng "loạn giá" tại các cơ sở tư nhân rất phổ biến, mỗi nơi một giá và rất khó quản lý hoặc một nơi nhiều giá ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của nhân dân.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, các đại biểu cho rằng, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề giao cho Hội đồng y khoa Quốc gia là không phù hợp vì cơ quan này chỉ mang tính chất tư vấn nhiều hơn, cần giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện sẽ đúng với thực tiễn, không xáo trộn hệ thống quản lý người hành nghề như hiện nay.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị, để quy định này đảm bảo hiệu quả, khả thi cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép hành nghề, cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan cấp giấy phép hành nghề, tránh tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau…

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, bởi dự thảo chưa có quy định nào đề cập đến hợp tác quốc tế, trong khi đó đây lại là hoạt động diễn ra thường xuyên, phổ biến và tương lai sẽ phát triển mạnh.

Do đó, hợp tác quốc tế sẽ đem lại những giá trị vô cùng lớn cho nền y học nước nhà. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển giao bệnh nhân giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Sẽ tính đến việc tăng giá bảo hiểm y tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với các góp ý của đại biểu Quốc hội tổ 12 về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm, ngoài việc thể chế hóa Nghị quyết 20 – nghị quyết kết kinh tinh về chính sách khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng cần sửa đổi bổ sung để làm sao tăng cường hơn nữa cơ sở y tế dự phòng. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, và nâng cao an toàn cho bệnh nhân.

"Vừa rồi có những hoạt động không an toàn cho bệnh nhân và cho cả bác sĩ. Làm sao chúng ta có một luật minh bạch, công khai, đương nhiên còn liên quan đến nhiều luật như bảo hiểm y tế, hay cơ chế tự chủ tài chính, và nhiều vấn đề lắm. Tinh thần, cả Chính phủ, cả Quốc hội mong muốn đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ xây dựng luật này hoàn thiện cao nhất có thể được, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thể chế hóa Nghị quyết 20", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sẽ tính đến việc tăng giá bảo hiểm y tế - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: QH

Liên quan đến việc cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám chữa bệnh, Chủ tịch nói "phải thận trọng". Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chia 3 mức một là y tế công lập, hai là công lập nhưng đã xã hội hóa, tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên và hai là y tế tư nhân nhưng trách nhiệm xã hội, và ba là, tư nhân hoàn toàn. 3 mức này nên chẳng có chính sách khác nhau?

"Sau này sửa luật bảo hiểm y tế, về cơ bản chúng ta phải tính toán nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên, vì mức hiện nay khá thấp so với nhiều nước trong khi phạm vi chi trả tương đối rộng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông tin thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem