Dân Việt

Đại hội cổ đông Eximbank 2022 lần thứ 2: Thông qua kế hoạch trả cổ tức 20%, hai tờ trình quan trọng bị... phớt lờ

Quốc Hải 27/05/2022 16:32 GMT+7
Số cổ đông đại diện cho hơn 94% cổ phần EIB đã đến tham dự đại hội thường niên Eximbank 2022 lần 2, tổ chức sáng nay tại TP.HCM.

Sáng nay (27/5), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; HoSE: EIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai. Tính đến 10h30, số cổ đông tham dự đại diện cho quyền biểu quyết chiếm tỷ lệ tới hơn 94%.

Sau lần 1 bất thành, tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông Eximbank 2022 lần thứ 2 tăng đột biến - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai của Eximbank. Ảnh: Quốc Hải

Trước đó, ngày 28/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Eximbank đã không thể diễn ra như dự kiến, do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành họp (chỉ có tỷ lệ 56%).

Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi lên 2.500 tỷ đồng

Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh, phương án tăng vốn, phát hành cổ phiếu và một số vấn đề khác.

Cụ thể, HĐQT Ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ; huy động vốn 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021; thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ đồng, lên 1.159 tỷ đồng.

Sau lần 1 bất thành, tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông Eximbank 2022 lần thứ 2 tăng đột biến - Ảnh 2.

Các thành viên ban chủ tọa điều hành đại hội. Ảnh: Quốc Hải

Dư nợ tín dụng (dư nợ cho vay + trái phiếu doanh nghiệp) năm 2022, lên kế hoạch đạt 127.149 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo, Eximbank sẽ xin phép điều chỉnh hạn mức trong điều kiện thuận lợi.

Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%. Huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Năm 2021, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 165.882 tỷ đồng, tăng 3,4%. Huy động vốn tổ chức kinh tế, dân cư đạt 137.374 tỷ đồng, tăng 2,6%.

Dư nợ cấp tín dụng (dư nợ cho vay, trái phiếu doanh nghiệp) đạt 115.590 tỷ đồng, tăng 13%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,96%, giảm 0,56% so với năm 2020.

Tại đại hội, Eximbank cũng trình cổ đông về việc chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở mới tại TP.HCM.

Theo BCTC quý I, Eximbank lãi trước thuế tăng 2,8 lần, lên hơn 809 tỷ đồng, tương đương 32% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 52%, lên mức 1.244 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 61% ghi nhận ở mức 153,3 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư gần gấp đôi, lên 44 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng 2 lần so với cùng kỳ lên 126 tỷ đồng.

Đến 31/3, tổng tài sản tăng 4% so với đầu năm, lên mức 172.343 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 7% lên 122.553 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 8% ghi nhận gần 2.421 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng từ 1,96% đầu năm lên 1,98%.

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 1,2% so với hồi cuối năm lên 139.085 tỷ đồng, tiền, vàng gửi không kỳ hạn tăng hơn 400 tỷ đồng (tăng 2%), lên 20.944 tỷ đồng, tiền, vàng gửi có kỳ hạn tăng hơn 1.130 tỷ đồng (tăng 0,9%) lên 116.806 tỷ đồng.

Trình cổ đông về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB 

Tại đại hội, Eximbank cũng báo cáo về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank (HoSE: STB).

Năm 2018, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản yêu cầu HĐQT Eximbank báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiếu 13.000/cổ phần dẫn tới làm giảm thu nhập của ngân hàng để ĐHĐCĐ có ý kiến.

Mức giá 13.000 đồng/cp đã được nêu tại phương án chuyển nhượng của Eximbank trong văn bản ngày 16/8/2017 và được sự chấp thuận của Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng TP.HCM tại văn bản số 1503/Cục II.4.

Sau lần 1 bất thành, tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông Eximbank 2022 lần thứ 2 tăng đột biến - Ảnh 4.

Một cổ đông lớn tuổi của Eximbank phải nhờ "quyền trợ giúp" từ ban tổ chức để bỏ phiếu. Ảnh: Quốc Hải

Trong trường hợp cổ đông thông qua kết quả chào bán, HĐQT, BKS và Ban điều hành phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tự đề xuất xử lý với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, nếu ĐHĐCĐ không thống nhất hoặc yêu cầu xem xét lại trách nhiệm, HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành phải xác nhận cụ thể trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm bồi hoàn hơn 6,3 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế và phí), đồng thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật với những tổn thất, thiệt hại gây ra cho ngân hàng.

Thời điểm trước tháng 11/2017, Eximbank sở hữu 165,2 triệu cổ phiếu, đương đương 8,76% vốn điều lệ của Sacombank. Ngân hàng phải bán cổ phiếu STB giảm sở hữu xuống dưới 5% vốn điều lệ. Năm 2018, ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất, nhưng liên tục họp bất thành.

Theo Eximbank, lấy mốc giá 13.000 đồng/cp, ngân hàng đã bán tổng 165,2 triệu cổ phần với giá bán bình quân 14.064 đồng/cp. Tổng số tiền bán thu được là 2.323 tỷ đồng, lãi 647 tỷ đồng.

Kết quả thoái vốn của khoản đầu tư có lãi và đã đóng góp vào kết quả lợi nhuận của Eximbank giai đoạn 2017-2018.

"Việc giao dịch cổ phiếu dưới mức giá 13.000 đồng/cp, tuy không đáp ứng văn bản gửi NHNN nhưng đảm bảo được mục tiêu thoái vốn của Eximbank tại Sacombank theo yêu cầu của NHNN và có lãi", ban điều hành Eximbank báo cáo.

Nhiều cổ đông đặt vấn đề về cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC đã công bố thoái vốn khỏi Eximbank, trong khi đó trong HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới vẫn có 1 thành viên đại diện của SMBC?.

Trà lời thắc mắc này, bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho hay cổ đông chiến lược của SMBC hiện nay đã thông báo chấm dứt thỏa thuận chiến lược, nhưng hiện đối tác SMBC vẫn là cổ đông lớn nắm giữ hơn 15% cổ phần của Eximbank.

"Hiện nay HĐQT đại diện cho các nhóm cổ đông nhận ủy quyền. Các nhóm cổ đông trong HĐQT nhiệm kỳ VII vì một mục tiêu chung liên quan đến chiến lược, hoạt động ngân hàng. Không có bất kỳ nhóm lợi ích gì liên quan đến hoạt động riêng chi phối hoạt động Eximbank. HĐQT nhiệm kỳ VII trên tình thần phát triển cho Eximbank tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông", bà Tú cho biết thêm.

Một vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm là vấn đề chia cổ tức. Theo bà Lương Thị Cẩm Tú, năm nay, ngân hàng trình cổ đông chia cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Sau khi ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua thì Eximbank sẽ trình xin NHNN để được thông qua. Và sau khi được NHNN thông qua, HĐQT sẽ tiến hành chốt danh sách để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.

"Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu mà không chia tiền mặt vì theo yêu cầu của NHNN để đảm bảo hoạt động của tổ chức tín dụng là chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt. Tiêu chí làm việc của HĐQT nhiệm kỳ VII của Eximbank là luôn luôn tạo sự công bằng, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.

Có thể trước mắt, ngân hàng còn khó khăn nên chúng ta cũng phải "liệu cơm, gắp mắm", nhưng trong thời gian tới khi hoạt động của Eximbank tốt hơn thì việc chia cổ tức cho cổ đông không còn là vấn đề", bà Tú khẳng định.

Kết thúc phần thảo luận, đại hội bước qua phần biểu quyết thông qua các tờ trình. Tuy nhiên, có hai tờ trình không được cô đông thông qua, gồm: Tờ trình Báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank (STB) và tờ trình về việc sửa đổi điều lệ người đại diện pháp luật Ngân hàng bổ sung thêm Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc.

Các tờ trình còn lại đều được thông qua, trong đó đáng chú ý là tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, vốn bị ách tắc từ nhiều năm nay.

Sẽ tăng vốn thông qua trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Đại hội cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại của 5 năm từ năm 2017 đến năm 2021.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong năm 2022 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ... và mở rộng hoạt động kinh doanh của Eximbank.