Cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra đã mang lại những tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến, nhưng Xu Le- Giảng viên Khoa Chiến lược và Chính sách của Trường Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra rằng, tình hình vẫn chưa rõ ràng, vì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng từ xuất khẩu của mình, cũng như giá năng lượng tăng và những thách thức đối với an ninh lương thực.
Đã hơn ba tháng kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, điều này đã tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu - giá hàng hóa đang tăng cao kỷ lục, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong khi lạm phát gia tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, những điều này đã làm giảm kỳ vọng đầu tư và kinh doanh.
Nhiều quốc gia đã lên án Nga về cuộc chiến, nhưng Trung Quốc phần lớn tìm cách duy trì lập trường trung lập. Khi giao tranh tiếp diễn, một số nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến, trong khi những người khác lại có quan điểm ngược lại. Nhưng câu trả lời có thể nằm ở đâu đó ở giữa.
Tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc sang EU
Xuất khẩu là một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép họ vượt trội hơn các nền kinh tế khác trong thời kỳ đại dịch. Xuất khẩu cũng được coi là động lực tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2022, khi nước này nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5,5%.
Năm 2021, Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) về xuất khẩu hàng hóa ( chiếm 10,2%) và là đối tác lớn nhất về nhập khẩu hàng hóa của EU (22,4%), theo số liệu từ Eurostat.
Rõ ràng là khối lượng thương mại của EU với Trung Quốc được xác định bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của khối. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga-Ukraine đã ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế của EU. Giá năng lượng tại châu Âu đang tăng cao, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng trong nước. Những tác động này có thể sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của EU, và giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu của EU. Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tương quan thuận với tăng trưởng kinh tế của EU
Gần đây, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 1% từ 3,6% xuống chỉ còn 2,6%, lưu ý rằng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, do cả giá hàng hóa cao và cuộc chiến Ukraine. Lạm phát đình trệ ở EU, một tình trạng áp lực lạm phát và tăng trưởng trì trệ cũng sẽ tràn sang các nền kinh tế khác.
Theo đánh giá của một nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc từ ANZ Research, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tương quan thuận với tăng trưởng kinh tế của EU, tức là tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm cho mỗi lần giảm 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của EU.
Tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và việc các công ty quốc tế rút khỏi Nga đang củng cố mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty Trung Quốc.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 41,5% so trong 3 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu tăng 35,8%. Các sản phẩm chính xuất khẩu sang Nga là thiết bị phát thanh truyền hình, máy tính và hàng gia dụng, trong khi các mặt hàng nhập khẩu từ Nga chủ yếu là hàng hóa và năng lượng.
Nhưng cũng vào đầu tháng 3, Apple và Samsung đã tạm dừng việc bán các sản phẩm của họ tại Nga. Một số thương hiệu smartphone Trung Quốc đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội thị trường này. Nhưng các công ty này hiện đã trở nên thận trọng đối với các chuyến hàng của họ đến Nga, vì những rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái của đồng rúp và các lệnh trừng phạt tiềm ẩn khác chưa "hiện nguyên hình".
Tuy nhiên, sự gia tăng xuất khẩu sang Nga không đủ bù đắp cho sự mất mát tiềm tàng trong xuất khẩu sang EU, do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm 2021.
Tác động đến năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc
Một trong những tác động bất lợi của cuộc chiến Nga-Ukraine là cú sốc giá dầu. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhưng việc tăng giá nhập khẩu dầu đã đẩy giá bán lẻ xăng và dầu diesel tăng cao, tạo gánh nặng cho người sản xuất và người tiêu dùng. Điều này sẽ đẩy chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ lên cao, thu hẹp tỷ suất lợi nhuận và giảm thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.
Nga là nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, Trung Quốc có thể mua dầu từ Nga với giá thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó không có khả năng ảnh hưởng đến giá xăng và dầu diesel vốn công khai ổn định của Trung Quốc trong ngắn hạn. Một mặt, cơ chế định giá hiện tại cũng phải gắn với giá dầu thô toàn cầu.
Nhìn chung, nguồn cung năng lượng của Trung Quốc sẽ được "đảm bảo", nhưng giá năng lượng của nước này có thể tăng trừ khi chính phủ can thiệp chặt tay.
Bên cạnh dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc. Nhờ mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước, Nga và Trung Quốc đã ký một hợp đồng 30 năm để đảm bảo sự ổn định cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua một đường ống mới, và giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng euro. Các báo cáo cho rằng trước đây Trung Quốc muốn xem xét mua hoặc tăng cổ phần trong các công ty năng lượng và hàng hóa của Nga. Nhưng với các lệnh trừng phạt ngày càng leo thang đối với Nga, Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc đàm phán về khoản đầu tư này.
Tác động đối với thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc
Ukraine là một trong những quốc gia cung cấp ngô chính của Trung Quốc, loại ngô thường được sử dụng làm thức ăn cho lợn và gia cầm. Do chiến tranh, nguồn cung ngô trở nên bấp bênh và giá ngô tăng cao. Trên thực tế, Trung Quốc đang chuyển sang mua ngô từ Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các nguyên liệu thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như lúa mì. Vào tháng 2, như một phần trong nỗ lực giải quyết các lo ngại về an ninh lương thực, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu lúa mì quy mô lớn từ tất cả các khu vực của Nga.
An ninh lương thực của Trung Quốc là nền tảng của tăng trưởng kinh tế. Môi trường quốc tế phức tạp và diễn biến của chiến tranh đã làm nảy sinh nhiều bất ổn đối với thị trường lương thực toàn cầu, gây sức ép to lớn đối với việc ổn định giá lương thực. Để ổn định nguồn cung lương thực và giá lương thực, Trung Quốc sẽ cần đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nói chung và tăng sản xuất trong nước.
Những lợi ích tiềm năng đối với Trung Quốc
Một điểm thuận lợi đối với Trung Quốc là sự chú ý của thế giới đã chuyển từ đại dịch sang cuộc chiến Nga-Ukraine. Trước chiến tranh, Trung Quốc bị đổ lỗi cho Covid-19, và tình cảm chống Trung Quốc ở Mỹ và một số nước khác tiếp tục tăng cao. Dĩ nhiên, một môi trường quốc tế thù địch như vậy không có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Giờ đây, người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến giá năng lượng cao, lạm phát toàn cầu, khủng hoảng lương thực sắp xảy ra và lo ngại suy thoái kinh tế. Trung Quốc không còn là mục tiêu chính của những lời chỉ trích.
Trên hết, chiến tranh Nga -Ukraine đang thúc đẩy quá trình phi chế độ của một số quốc gia. Trung Quốc, nước đang phát triển hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng Nhân dân tệ, có khả năng sẽ tăng ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực này theo thời gian. Ở đây, quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hóa.
Do lệnh trừng phạt, các ngân hàng nổi tiếng của Nga bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu chính SWIFT. Trong tình huống này, Bắc Kinh và Moscow có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại song phương. Thúc đẩy phi đô la hóa và hỗ trợ đồng nhân dân tệ có thể giúp Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, tăng cường sự hiện diện tài chính và kinh tế của nước này trong hệ thống quốc tế, và tạo tấm đệm chống lại sự suy giảm kinh tế do các lệnh trừng phạt.
Một số nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 5,1% hoặc 5,2% vào năm 2022. Nhưng dữ liệu ít nhất là tích cực, tốt hơn nhiều so với tình hình của một số nước khác.
Các nhà phân tích khác tin rằng, Trung Quốc sẽ là "người chiến thắng" trong cuộc khủng hoảng nhưng điều này vẫn chưa phân thắng bại, vì đây là một trò chơi có nhiều người chơi. Kết quả không chỉ được quyết định bởi các chiến lược của Trung Quốc mà còn bởi phản ứng của các bên khác trên toàn cầu.
Huỳnh Dũng -Theo Thinkchina