Mới đây, Khoa cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đã cấp cứu thành công bệnh nhân T. (34 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngừng tim đột ngột (nhồi máu cơ tim hay đột tử) do liên quan tới thói quen hút thuốc lá.
Theo anh T. sức khỏe của anh rất tốt, không mắc bệnh lý gì trước đó. Bỗng một ngày khi đang leo một tầng cầu thang, anh T. đã ôm ngực ngã gục xuống đất. Rất may mắn, anh được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.
"Trước đó, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Sáng 20/5, tôi cảm thấy hơi khó thở. Khi tôi leo lên cầu thang cảm thấy tức ngực và ngã gục xuống đất. Lúc tôi tỉnh dậy thì đã thấy mình ở trong bệnh viện", nam bệnh nhân kể lại.
Anh T. cũng chia sẻ, công việc nhân viên kinh doanh của mình không quá nặng nhọc nhưng lại áp lực về doanh số. Anh T. có thói quen hút thuốc lá còn khá trẻ tuổi. Hiện nay, mỗi ngày anh hút khoảng 1 bao thuốc. Mặc dù biết thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng anh vẫn hút vì nghĩ mình "trẻ - khỏe chắc không sao". Vì xung quanh anh bao nhiêu người hút thuốc lâu năm cũng không gặp vấn đề gì cả.
"Tôi biết là thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng do áp lực công việc cho nên vẫn phải sử dụng thường xuyên và hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó bỏ. Nhưng sau lần thập tử nhất sinh này tôi mới thấy thuốc lá gây tác hại quá nghiêm trọng. Tôi muốn nhắn nhủ tới mọi người đang hút thuốc lá nên từ bỏ thói quen xấu này", anh T. nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, Khoa cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết bệnh nhân T. vào viện cấp cứu trong tình trạng nhồi máu cơ tim. Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống khoảng gần 20 năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc tim (nhồi máu cơ tim) do tắc động mạch vành dẫn tới tim không thể co bóp được.
"Ngay lập tức, bệnh nhân đã được các bác sĩ can thiệp, sốc điện thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân đã trở về với cuộc sống bình thường, không phải thở oxy", bác sĩ Quân nói.
Bác sĩ Quân khuyến cáo, hút thuốc lá lâu năm sẽ gây ra bệnh lý xơ vữa mạch mãn tính với tất cả các mạch máu trong cơ thể. Các mảng xơ vữa dần dần sẽ gây hẹp mạch, mà hậu quả có thể là đột tử (nhồi máu cơ tim), nhồi máu não.
Đối với những bệnh nhân hút thuốc đã có nhồi máu cơ tim, sau điều trị, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc, mạch máu sẽ tái hẹp rất nhanh gây nhồi máu cơ tim. Và thường lần tái phát nhồi máu cơ tim thứ 2 sẽ nặng hơn lần thứ nhất rất nhiều.
Đối với bệnh nhân trẻ tuổi có nhồi máu cơ tim đặt stent sẽ phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong 1 năm. Bệnh nhân vẫn sẽ phải theo dõi trong một thời gian dài tiếp theo.
"Những năm gần đây, khoa gặp rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim từng điều trị tại khoa mới khoảng 28 tuổi. Đặc điểm các bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá.
Cách đây khoảng 10 năm, nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở những người trung niên khoảng 40-50 tuổi. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhồi máu cơ tim hiện nay ngày càng trẻ hoá, mỗi năm khoa tiếp nhận 10-15 ca là các bệnh nhân còn trẻ tuổi và có tiền sử hút thuốc lá lâu năm", bác sĩ Quân nói.
Qua ca bệnh 34 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên từ bỏ thuốc lá sớm. Hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý về tim mạch, bệnh lý phổi và tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Ths.BS Nguyễn Đình Công, Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân T. là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim nặng có sốc tim và rối loại nhĩ thất do liên quan tới thuốc lá.
Bệnh nhân sau khi can thiệp mạch thành công vẫn cần phải tuân thủ điều trị, có lối sống sinh hoạt lành mạnh, bỏ hút thuốc để tránh tái phát nhồi máu cơ tim. Để tránh nhồi máu cơ tim khi còn quá trẻ bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người nên có chế độ ăn uống lối sống lành mạnh.