Đề xuất của UBND quận Tây Hồ được đưa ra mới đây trong buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội.
Theo đó, thay vì 7 đơn vị quản lý như hiện nay, chính quyền quận này sẽ là đơn vị quản lý Hồ Tây, chịu trách nhiệm đầu tư quản lý đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận; quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch.
UBND Quận Tây Hồ được đề xuất là đơn vị quản lý Hồ Tây, chịu trách nhiệm đầu tư quản lý đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận; quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch.
Hồ Tây với diện tích 527,517ha, chu vi xung quanh hồ dài khoảng 18,9km. Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, hiện hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Hệ thống thu gom rác thải xung quanh Hồ Tây đã được hoàn thành 2/3 giai đoạn, phần lớn nước thải đã được đưa về nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để xử lý.
Theo ông Hoàng, do có nhiều đơn vị quản lý nên việc khai thác các giá trị, lợi thế của Hồ Tây gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý, khai thác Hồ Tây do 7 Sở, ngành thành phố gồm: Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND quận Tây Hồ quản lý đan xen theo các lĩnh vực chuyên ngành và quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Giữa tháng 5, các Sở, ngành, Thành phố tổ chức họp liên ngành xem xét nội dung đề xuất giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây. Liên ngành thống nhất, đề xuất UBND Thành phố giao UBND quận Tây Hồ là đầu mối thống nhất quản lý, khai thác Hồ Tây các lĩnh vực như: trật tự đô thị, quản lý mặt nước, quản lý hạ tầng kỹ thuật xung quanh và trên Hồ Tây; quản lý cấp phép các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí, quản lý việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trong nước.
Các lĩnh vực còn lại khu vực Hồ Tây do các Sở, ngành tiếp tục quản lý như mực nước hồ phục vụ tiêu thoát nước của lưu vực; quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải; an toàn giao thông, các cơ sở lưu trú.
Sáu năm trước, sau vụ cá chết hàng loạt ở Hồ Tây 2016, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan ở khu vực hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện về hoạt động bến thủy nội địa, về phương tiện thủy nội địa; việc tạm dừng này cũng để phối hợp kiểm tra, xử lý môi trường nước hồ Tây.
Các du thuyền, nhà hàng nổi được đưa về neo đậu ở khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân), đến tháng 11/2021, chính quyền tiếp tục yêu cầu tháo dỡ toàn bộ tránh gây mất mỹ quan đô thi, đảm bảo môi trường.
Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất, nằm ở phía tây bắc thủ đô. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.