Sáng 29/5, tại TP. Sơn La, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam, nông dân Trần Thị Thanh Thoan cho biết, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.
"Tôi xin được hỏi, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?", nông dân Trần Thị Thanh Thoan đặt câu hỏi.
Giải đáp câu hỏi của nông dân đến từ Hà Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen.
Đơn cử như, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến;
Thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, đồng thời có sự quản lý chặt để tránh hiện tượng biến tướng.
Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh "tín dụng đen"; chú trọng xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Đến cuối tháng 4/2022, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021.
Đặc biệt, Phó Thống đốc cho biết, sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Gia Lai, NHNN giao cho Agribank triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ. Đến cuối tháng 4/2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt gần đạt gần 263 nghìn tỷ đồng, tăng 6,03% so với cuối năm 2021 với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Theo đánh giá sơ bộ giữa NHNN và Bộ Công an, so với năm 2017 tỷ lệ tín dụng đen đã giảm hơn một nửa, những bức xúc và sự việc đau lòng vì tín dụng đen cũng đã giảm đi rất nhiều.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức.
"Năm 2019, chúng tôi cùng Bộ Công an đi khảo sát ở Hòa Bình, những nơi vùng sâu vùng xa nhận ra 2 vấn đề. Muốn hạn chế tín dụng đen, tăng cường tín dụng chính thức thì phía các TCTD phải tăng cường tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu được rằng vay vốn chính thức ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói và ngại đến ngân hàng.
Hai là, kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân để làm sao có điều kiện để người dân nắm được nhân thân, cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc. Hai vấn đề đó hiện nay chúng tôi đang làm cùng phối hợp Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan, chính quyền địa phương,.. bài trừ tín dụng đen", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, trong lĩnh vực vay vốn hộ nông dân, một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây ổ nhóm cho vay nặng lãi, hay còn gọi là tín dụng đen.
Ngay sau khi phát hiện có tình hình đó ở một số địa phương, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen.
Đồng thời, mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng. Phát hiện đến đâu xử lí đến đó, nếu vụ việc đến mức xử lý hình sự thì thu thập đủ tài liệu để xử lý nghiêm minh. Nhờ đó tín dụng đen giảm dần, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở vùng nông thôn.
Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục tập trung chỉ đạo Công an địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa nắm tình hình để cập nhật kịp thời các hoạt động tinh vi của tội phạm tín dụng đen; tăng cường tham mưu, xây dựng thể chế nhằm tăng cường phòng ngừa loại tội phạm mới này.
Bộ Công an cũng đã trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen.
Cũng theo chia sẻ của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Bộ đã tăng cường trên 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu.
Ngoài ra, Bộ Công an phối hợp ngành ngân hàng xử lý, kiểm soát nhằm giảm bớt sơ hở, không để các loại tội phạm này tiếp tục lộng hành ở nông thôn.
Làm rõ thêm về vấn đề nông dân Trần Thị Thanh Thoan nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Trong chương trình phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ đã rõ, nhưng trong tổ chức thực hiện, việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn.
Thủ tướng đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.
Thủ tướng cho rằng, việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.