Bên cạnh tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề cần phản ánh của đại diện nông dân cả nước với Chính phủ, Hội nghị năm nay có điểm mới là dành thời lượng đáng kể để các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp bày tỏ, đề xuất các vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.
Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đề cập đến những giải pháp quan trọng và cần làm ngay để tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp bền vững. Bà Thái Hương cho rằng, những năm gần đây các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đã nhận thức được vai trò sống còn của công nghệ cao cũng như nỗ lực theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Nhờ thế ngành có sự phát triển tương đối mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 vẫn đạt 48,6 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản riêng trong tháng 4/2022 đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. "Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp, nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hóa, để tiếp sức cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp đơm hoa kết trái, để ứng dụng thành công các thành tựu về khoa học công nghệ, khoa học quản trị của thế giới thì ta cần có những cơ chế, chính sách thích hợp cho từng ngành nghề, từng thời điểm" – bà Thái Hương nhận định.
Nhà sáng lập Tập đoàn TH đề xuất hai việc cần triển khai sớm và mạnh mẽ. Một là, cần đánh giá lại nguồn lực về đất đai để từ đó có các chính sách điều chỉnh phù hợp. "Nên khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Như một số loại cây trồng mang vai trò xóa đói giảm nghèo trong các giai đoạn trước, đến nay đã không còn phù hợp nữa, nên chuyển sang cây ăn trái hoặc thảo dược. Tùy khí hậu thổ nhưỡng từng địa phương, cần có nghiên cứu bài bản và có mô hình điểm cho nông dân. Chẳng hạn, cây keo bây giờ không có hiệu quả như lịch sử của nó được xem như loại cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo trước đây, nay ta nên chuyển đổi".
Trên thực tế, cách làm này đã được triển khai ở Tập đoàn TH từ nhiều năm nay. TH chuyển đổi nhiều diện tích trồng cây keo sang cây ăn trái, thảo dược, chẳng hạn như đàn hương (để sản xuất trà đàn hương), mắc ca và các loại cây lấy tinh dầu, chế biến dược liệu.
Thứ hai, theo bà Thái Hương, để khai thác, tiếp cận đa dạng thị trường đặc biệt là xuất khẩu, cần có chiến lược phát triển Thương hiệu quốc gia: "Bộ Công Thương rất quan tâm đến vấn đề này và từ 20 năm nay đã có chương trình Thương hiệu quốc gia. Tôi mong muốn Bộ Công Thương có đủ kinh phí để tiếp tục và nâng cao hơn nữa việc hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp Việt trong việc tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới".
Đáp lại những chia sẻ tâm huyết của bà Thái Hương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự đồng tình, đặc biệt là về sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu. Thủ tướng nói: "Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào vào giá trị tăng gấp hàng chục lần. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường".
Bà Thái Hương là doanh nhân Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đã dẫn dắt Tập đoàn TH làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp Việt Nam, ứng dụng công nghệ cao xây dựng thành công chuỗi sản xuất khép kín, tạo ra những sản phẩm hàng hóa với chất lượng vượt trội; thành công đưa thương hiệu sản phẩm, nông sản Việt Nam ra thế giới. TH cũng là đơn vị tiên phong thực hiện bền bỉ và mạnh mẽ mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để phát triển bền vững và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Với các chiến lược, sáng kiến phát triển bền vững và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, người đứng đầu Tập đoàn TH mới đây đã được tổ chức hàng đầu châu Á về tư vấn và đào tạo thực hành phát triển bền vững tại châu Á CSR Works International vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu "Phụ nữ vì sự phát triển bền vững 2021 châu Á".
Tập đoàn TH được biết tới với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK cùng nhiều dự án thực phẩm sạch, trong đó có sản xuất, chế biến dược liệu, trồng rau quả, sản xuất nước tinh khiết… TH có nhiều nhóm sản phẩm chủ lực liên tiếp được vinh danh Thương hiệu quốc gia, như sữa tươi sạch TH true MILK, sữa tươi tiệt trùng TH true MILK công thức TOPKID, sữa tươi học đường TH school MILK; sữa chua TH true YOGURT…
Trên lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu tại khu vực Tây Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại Nghệ An, TH đã phát triển dự án rau sạch FVF, dự án dược liệu – sản xuất thức uống thảo dược TH true Herbal. Mô hình trang trại hoặc tổ chức liên kết trồng hoa quả, thảo dược, dược liệu dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa cũng đang được TH triển khai tại Sơn La, Hà Giang và một vài tỉnh thành khác.