Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân (cố định vào tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm); đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân từng địa phương vào giữa 2 kỳ đối thoại của Thủ tướng để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.
Sau cuộc đối thoại này, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đối thoại để nhìn lại, sau 1 năm xem chúng ta giải quyết được những vấn đề gì, hiệu quả ra sao. Cuộc sống là như vậy, luôn luôn có vận động và phát sinh những vấn đề mới, quan trọng nhất là phải luôn bình tĩnh để có phương án giải quyết.
Trước đó, phát biểu định hướng Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc tới bà con nông dân nói riêng và đồng bào cả nước nói chung với những khó khăn, thách thức trong 2 năm gồng mình cùng cả nước phòng chống dịch vừa qua.
Thủ tướng cho biết, ba cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc.
Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.
9 vấn đề lớn của nông dân cần quan tâm, giải quyết
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu lên 9 nhóm vấn đề lớn cần cần quan tâm, giải quyết cho nông dân như sau:
Một là, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể: (i) Nghị quyết tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; (ii) Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045; (iii) Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tôi đề nghị chúng ta quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng sau khi ban hành.
Hai là, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Ba là, phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Bốn là, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn.
Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư...
Các bộ ngành, cơ quan, nhất là Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân quán triệt tinh thần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả trong nông nghiệp.
Sáu là, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Tám là, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
Chín là, tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
"Trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng ta còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Tôi yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ để cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng".
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại Hội nghị)