Liên quan đến vụ vụ ẩu đả giữa các nữ sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) khiến một phụ huynh phát sóng trực tiếp gây ồn ào trên mạng xã hội, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, bạo lực học đường là vấn đề không mới kể cả ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia khác.
Bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ môi trường học đường nào, dù đó là trường công hay trường tư. Vấn đề là làm sao kiểm soát được tình hình, giảm bớt các vụ việc mâu thuẫn và chạm giữa các em học sinh, giữa giáo viên với học sinh và giải quyết có tình có lý khi sự việc đã xảy ra.
Về tâm lý nói chung, phụ huynh nào cũng lo lắng cho con cái, lo sợ con cái sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường khi bị bạn bè, thậm chí có thể bị giáo viên hành hung trong thời gian ở trường.
Bạo lực học đường giữa các em học sinh, đặc biệt là sau giờ tan học, ở những khu vực vắng vẻ là những tình huống rất nguy hiểm, có thể gây ra những thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân.
Vị Tiến sĩ luật cho rằng, môi trường học đường nào, nội dung giáo dục cũng hướng đến xây dựng và hình thành nhân cách, giáo dục kiểm soát cảm xúc, kỹ năng sống và tăng cường tình đoàn kết trong tập thể các em học sinh.
Các trường học đều có điều lệ, quy chế, các quy tắc chung và riêng đối với mỗi cơ sở giáo dục để quản lý học sinh, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật học sinh, kiểm soát tình trạng bạo lực học đường.
Các em học sinh là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị kích động, khó làm chủ cảm xúc, suy nghĩ chưa thấu đáo, nhiều em còn thiếu kỹ năng sống nên không chỉ trong môi trường học đường mà ngay cuộc sống bên ngoài cũng dễ xảy ra mâu thuẫn.
Với những vụ việc tương tự như vụ xảy ra tại Trường ISHCMC, theo ông Cường, trước tiên các phụ huynh phản ánh sự việc với nhà trường và phối hợp với nhà trường, với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Đúng sai như thế nào, hậu quả đến đâu, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân ra sao sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định trên cơ sở các trình tự thủ tục luật định.
Trường hợp các em học sinh có thương tích nghiêm trọng, tổn hại đến tâm lý, sức khỏe, phụ huynh có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét thụ lý nguồn tin tố giác, làm rõ sự việc để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Cường cho hay, theo quy định của pháp luật, người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với trẻ em ở độ tuổi này mà thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác chưa thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo mô tả, liệt kê của điều luật, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Như vậy, trong vụ việc này nếu thương tích của các em học sinh chỉ là thương tích nhỏ, chưa đến mức độ nghiêm trọng, cơ quan công an sẽ không thụ lý xem xét mà thuộc thẩm quyền giải quyết của nhà trường theo quy định về kỷ luật học sinh.
Theo quy định của pháp luật, học sinh sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau, tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau như nhắc nhở, khiến trách, tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích là giáo dục và cải tạo, tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng kỷ luật học sinh để kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em.
Học sinh nào cũng có thể mắc sai lầm và ở độ tuổi chưa thành niên, việc thông cảm, tạo cơ hội cho các em học sinh vi phạm sửa sai là điều cần thiết.
Đối với các phụ huynh có liên quan cũng cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc, động viên giáo dục các con để tránh những căng thẳng, mâu thuẫn không cần thiết, làm phức tạp thêm tình hình.
Cơ sở giáo dục cũng cần phải sớm ổn định tình hình, làm công tác tư tưởng đối với các phụ huynh, các học sinh để làm sáng tỏ sự việc, giải quyết sự việc một cách thấu đáo.
Ông Cường cho rằng, để bạo lực học đường xảy ra không chỉ có lỗi của các em học sinh mà trong đó có một phần lỗi của nhà trường và gia đình. Sự việc sẽ là bài học trong công tác quản lý, kỷ luật ở nhà trường .
"Bạo lực học đường dù xảy ra ở môi trường nào cũng là chuyện đáng buồn. Nhưng đừng để cách hành xử của bố mẹ ảnh hưởng đến con cái sau này. Có nhiều cách để xử lý vụ việc, không nhất thiết phải đấu tố nhau vì người tổn thương nhất sẽ là con cái" – Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.
Sáng 29/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Động thái này diễn ra hai ngày sau khi thông tin về vụ bạo lực học đường tại Trường ISHCMC-AA, gây xôn xao mạng xã hội.
Theo lời kể của phụ huynh có con gái học lớp 7 tại ISHCMC-AA, sự việc xuất phát từ buổi dã ngoại tại Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu tuần trước. Khi đó, con gái bà và một nữ sinh lớp 8 có xích mích nhỏ.
Sau buổi học ngày 26/5, con bà bị nữ sinh lớp 8 này đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên trường. Ba nữ sinh khác lao vào can ngăn cũng bị em này đánh. Phụ huynh này cho rằng, giáo viên nhìn thấy nhưng không can ngăn.
Chiều cùng ngày, bà và một số phụ huynh có con bị đánh lên trường làm việc. Theo bà, trường đề nghị hai bên tự giải quyết với lý do sự việc xảy ra bên ngoài nhà trường.
Một đoạn livestream trên trang cá nhân của phụ huynh này cho thấy, bà đến văn phòng nhà trường và nói chuyện với một số giáo viên, lãnh đạo. Theo đó, nữ phụ huynh yêu cầu gặp bé gái đã đánh con mình, nhưng phía trường không đồng ý.
Sáng 29/5, Trường ISHCMC-AA đưa ra phát ngôn về sự việc. Theo đó, đại diện trường cho biết, rất buồn khi một vụ việc thuộc phạm vi kỷ luật của trường bị lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới những em liên quan, cũng như không liên quan trực tiếp.
Nhà trường cho rằng, có nhiều thông tin được đưa ra thiếu chính xác, không phản ánh đúng bản chất sự việc.