Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới được tổ chức tại Sơn La ngày 29/5, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Một trong những nhóm câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất trong hội nghị liên quan đến vốn, tín dụng. Theo phản ánh của bà con nông dân, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông. Song nông dân kiến nghị cần có nhiều giải pháp hơn nữa để tạo thuận lợi cho nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Thông tin tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành ngân hàng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai rất nhiều chính sách về vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho tam nông.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn. "Chưa có lĩnh vực nào, trong 10 năm liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như nông nghiệp, nông thôn, nông dân", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,18% so với cuối năm 2021.
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 6,7% so với cuối năm 2021.
Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng đều hàng năm (bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 18,17%/năm, năm 2021 tăng 14,88%) và cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Hiện có 80 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay với mạng lưới phủ khắp toàn quốc, trong đó có HDBank.
Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong tín dụng phát triển nông nghiệp, từ nhiều năm nay, HDBank đã xây dựng, phát triển sản phẩm cho vay dành riêng cho nông nghiệp với mức vay không giới hạn từ 50 triệu đồng, thời hạn vay và phương thức trả nợ linh hoạt, chứng từ đơn giản, giúp khách hàng tiếp cận kịp thời gói vay phù hợp với nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế gia đình của khách hàng.
Bên cạnh đó, HDBank đang triển khai nhiều ưu đãi về phí và lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nổi bật là chương trình "Nhận ưu đãi – Trọn niềm vui" triển khai từ năm 2021 đến nay, áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay 3 tháng đầu chỉ 8%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn khi khách hàng đã vay được 2/3 thời gian.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay gói giá trị từ 100 triệu đồng trở lên có thể hưởng mức ưu đãi lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ 6% và 8,6% cho 6 tháng tiếp theo trong chương trình "Chung tay tương trợ, vững bền đi tới", kéo dài tới hết năm 2022.
Nhằm giúp doanh nghiệp và bà con tiếp cận dễ dàng các sản phẩm dịch vụ, các gói vay ưu đãi, hướng đến hoàn thiện hệ thống Ngân hàng số hạnh phúc, HDBank đã triển khai dự án website tại 63 tỉnh, thành, giúp khách hàng dễ dàng kết nối và giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Đây cũng là mong mỏi của bà con nông dân cả nước.
Tiên phong trong tài trợ tín dụng xanh và tài trợ chuỗi nông nghiệp
Trong định hướng hoạt động, phát triển của HDBank, nhà băng này cũng xác định chuỗi nông nghiệp là một ngành mục tiêu quan trọng, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và xanh.
Mới đây, vào tháng 5/2022, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN và thăm, làm việc tại Mỹ, Liên Hiệp Quốc, HDBank đã ký kết hợp tác cùng Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm chuỗi nông nghiệp công nghệ cao.
HDBank cũng là ngân hàng đi đầu phát động thực thi chính sách của NHNN về tín dụng xanh, đóng góp cho chiến lược kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam, HDBank đã xây dựng thành công mô hình ngân hàng xanh với việc tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng tái tạo và tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, HDBank triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án điện mặt trời với tổng số vốn 7.000 tỷ đồng, phục vụ các dự án điện mặt trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam.
Song song, HDBank còn triển khai mạnh chương trình tín dụng xanh điện mặt trời với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên nữa tùy theo sự thay đổi nhu cầu của thị trường.
Ngày 31/10/2021, trong khuôn khổ Hội nghị về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và chuyến thăm song phương Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, HDBank và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn cho HDBank dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trị giá 300 triệu USD, nhằm tài trợ cho các chương trình đáp ứng tiêu chí ESG, phát triển bền vững.
Ngày 04/11/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Pháp, HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược DEG (Đức), tổng giá trị thực hiện từ 200 tới 300 triệu USD.
Cùng ngày, HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) trị giá 100 triệu USD để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo đó, HDBank đã mang về hơn 700 triệu USD sẵn sàng cho các dòng tín dụng xanh, hướng về năng lượng tái tạo, hướng về mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đề ra, thực hiện các cơ chế theo "Thỏa thuận Paris", để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc hướng dòng tín dụng vào chuỗi nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng xanh nằm trong 9 vấn đề lớn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân.
Theo đó, đề cập trong kết luận tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đặt ra 9 vấn đề lớn, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, các Bộ ngành, cơ quan kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả trong nông nghiệp, trong đó có vấn đề về vốn, tín dụng.