Trước đó, nhiều lái xe phản ánh, họ phải đi lại hàng trăm km đến trụ sở CSGT (đơn vị quản lý các tuyến cao tốc) để làm việc, lập biên bản sự việc và nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tài xế V.T.H (ở Quảng Ninh) cho hay, anh phải di chuyển hơn 100km tới trụ sở CSGT ở Hà Nội để lập biên bản cho hành vi lái xe quá tốc độ.
Mỗi lần nhận được thông báo phạt nguội như vậy anh H. phải đi hơn 200km cả đi cả về. Việc đi lại như vậy phát sinh nhiều chi phí, tốn kém, ảnh hưởng tới công việc.
Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Thông tư 15/2022/TT-BCA chính thức có hiệu lực từ ngày 21/5/2022 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi xử lý vi phạm giao thông, đối với chủ phương tiện nhận được thông báo phạt nguội.
Cụ thể, với quy định mới thì người vi phạm không phải đến trụ sở của đơn vị quản lý tuyến đường để lập biên bản và nhận quyết định xử phạt mà có thể đến trụ sở cơ quan công an cấp xã, huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để làm việc, lập biên bản, nhận quyết định xử phạt và nộp phạt trực tiếp hoặc nộp phạt online.
Như vậy, nếu như lái xe ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) nhận được thông báo phạt nguội của CSGT tỉnh Quảng Bình thì họ không cần phải vào Quảng Bình để làm việc, nhận quyết định xử phạt hành chính, nộp phạt mà có thể lên Công an huyện Đà Bắc làm việc, nộp phạt.
Về việc nộp phạt online, theo Đại tá Nhật, từ năm 2020, đơn vị đã bắt đầu thực hiện đồng loạt triển khai công tác xử lý vi phạm giao thông trên hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG).
Lái xe khi nhận được thông báo có thể chọn hình thức nộp phạt trực tiếp hoặc chọn hình thức nộp phạt online.
Đến nay, việc nộp phạt online đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người vi phạm và được mọi người ủng hộ.
Từ năm 2020, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã áp dụng hình thức xử phạt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm giao thông mới sử dụng cấp độ 1, 2, người dân khi làm thủ tục và đi nộp phạt vẫn phải đến trụ sở công an.
Đến sáng 1/3, Cảnh sát giao thông (Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông và hướng dẫn người vi phạm giao thông thực hiện việc nộp phạt trực tuyến. Việc xử phạt vi phạm giao thông được nâng lên cấp độ 3,4.
Trung úy Võ Quang Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát số 15 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, đến nay, việc nộp phạt online đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ người dân, người vi phạm giao thông.
"Trước đó, khi mới triển khai, chưa có nhiều người dân sử dụng hình thức nộp phạt trực tuyến, trung bình cứ 100 trường hợp vi phạm sẽ có khoảng 6 trường hợp chọn hình thức nộp phạt trực tuyến.
Tuy nhiên, đến nay, trung bình cứ 100 trường hợp vi phạm sẽ có khoảng 40 trường hợp chọn hình thức nộp phạt online. Hình thức nộp phạt trực tuyến đã tạo điều kiện tối đa cho người vi phạm, giúp họ tiết kiệm được chi phí đi lại", Trung úy Thắng thông tin.
Với cán bộ xử lý hồ sơ, trung bình khoảng 5 phút sẽ xử lý xong một bộ hồ sơ, bao gồm cả cả việc nhập dữ liệu đẩy lên Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia và in Quyết định trình các cấp có thẩm quyền ký.
Về trình tự nộp phạt trực tuyến khi bị cảnh sát giao thông xử phạt từ ngày 1/3, theo hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html hoặc đường dẫn (link) được gửi vào điện thoại người vi phạm để tiến hành các bước hướng dẫn.
Quy trình nộp phạt trực tuyến gồm 9 bước:
1. Sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính đối với người vi phạm, biên bản được nhập vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm. Trên cơ sở các nội dung của biên bản vi phạm hành chính, hệ thống sẽ tự động ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số Quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
2. Các nội dung được trích xuất từ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tên cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin của người vi phạm (họ và tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
3. Thông tin về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cơ quan Cảnh sát giao thông cung cấp sẽ được Cổng Dịch vụ công Quốc gia chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
4. Kho bạc nhà nước (Ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
5. Bưu điện sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận lại sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
6. Thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
7. Cổng Dịch vụ công Quốc gia phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do Cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Cục Cảnh sát giao thông.
8. Cục Cảnh sát giao thông phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do Cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về các điểm xử lý vi phạm của Công an địa phương.
9. Cơ quan Cảnh sát giao thông qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để nhận lại.