Sau quãng thời gian bận rộn tập luyện, di chuyển, Nguyễn Thị Oanh, là một trong những vận động viên điền kinh Việt Nam thành công nhất tại đấu trường SEA Games cũng đã dành cho PV Dân Việt ít phút chia sẻ về chặng đường đã qua ngay chính nơi cô đang tập luyện, thi đấu tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Ấn tượng với chúng tôi về Oanh là cô gái có chiều cao và cân nặng khiêm tốn, từng gian truân vượt qua nỗi đau bệnh tật nhưng lại có một ý chí, nghị lực kiên trì bền bỉ không ngừng để được mệnh danh là "Nữ hoàng làng chạy, cô gái không phổi" của điền kinh Việt Nam.
Sáng 14/5, tại sân vận động Mỹ Đình, Nguyễn Thị Oanh đã đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31. Tiếp ngay sau đó, sau khi giành hai tấm HCV nội dung chạy 1.500m, 5.000m trong ngày thi đấu đầu tiên, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh tiếp tục giành thêm tấm HCV thứ 3 ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và kỷ lục Đại hội.
Những chia sẻ đặc biệt của VĐV Nguyễn Thị Oanh: “Cô gái không phổi” của điền kinh Việt Nam. Clip: Viết Niệm
Trong ngày thi đấu thứ 2 của bộ môn điền kinh, tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc bảo vệ được tấm HCV ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật với thông số 9 phút 52 giây 44, đồng thời phá vỡ kỷ lục chính cô lập nên vào năm 2019 tại SEA Games 30 trên đất Philippines với thông số 10 phút 00 giây 02.
- Ngay sau SEA Games 31, tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng của mọi người, đặc biệt có thời gian nghỉ ngơi về thăm gia đình của mình. Bên cạnh đó tôi cũng rất hạnh phúc khi đã hoàn thành được mục tiêu mình đề ra tại kỳ SEA Games vừa rồi. Đây cũng là món quà ý nghĩa nhất tôi muốn dành tặng cho người thân yêu trong gia đình cũng như tất cả người luôn luôn bên cạnh cổ vũ động viên tôi.
Trong những khoảnh khắc khi chinh phục các tấm huy chương vàng lần này, Oanh nhớ nhất điều gì?
- Trong cả quá trình tập luyện cũng như thi đấu có rất nhiều những khó khăn, thách thức với tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm động viên của các cấp. Đảng và Nhà nước đã có sự hỗ trợ rất cần thiết trong các thiết bị tập luyện cũng như sân bãi, dụng cụ… Bên cạnh đó, môi trường tôi tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội rất an toàn, đảm bảo tuyệt đối với bên ngoài.
Thời gian qua, chúng ta cũng đã biết dịch bệnh Covid-19 rất đáng lo ngại, đó là vấn đề lớn nhất cản trở quá trình tập luyện cũng như thi đấu, cọ sát quốc tế của các vận động viên. Trung tâm cũng đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi có cơ sở vật chất cũng như các điều kiện để chuẩn bị tốt nhất về thể lực cũng như chuyên môn của mình tại kỳ SEA Games 31 vừa qua.
- Ở cả 3 nội dung tranh tài đều có những khó khăn nhất định với bản thân tôi. Đặc biệt như mọi người đã thấy, lịch thi đấu cũng là một thách thức lớn với tôi cũng như với huấn luyện viên, ban huấn luyện và những nhà chuyên môn. Trong 32 tiếng nhưng thi đấu 3 nội dung, đó là điều khiến tôi lo lắng và rất cân não. Chính vì vậy tôi luôn luôn tập trung cao độ, có chiến thuật phù hợp, đảm bảo thi đấu tốt cả 3 nội dung.
Ngày đầu tiên thi nội dung 1.500m buổi sáng, 5.000m vào buổi chiều, một ngày phải đảm bảo duy trì thể lực thi đấu tốt ở 2 nội dung là điều rất khó khăn, vất vả. Ngay sau đó được nghỉ buổi sáng thì ngay buổi chiều hôm sau đã thi nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Hôm đầu tiên mình dùng tương đối nhiều sức lực, đến thời điểm thi nội dung cuối cùng tôi mong muốn rằng mình có thể đảm bảo an toàn về đích và hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu của mình là bảo vệ ngôi vô địch ở nội dung này tại kỳ SEA Games trước.
Thi vượt qua chướng ngại vật rất khó khăn khi vượt qua các chặng đường đua, không đơn giản như chạy trên đường trường, chính vì vậy tôi nghĩ một kỷ lục là xa vời với mình khi sức khoẻ lúc đó đã tiêu hao rất nhiều. Thực sự bất ngờ sau khi về đích tôi đã bảo vệ được thành công huy chương vàng 3.000m vượt chướng ngại , mang lại cho mình thêm kỷ lục SEA Games, phá vỡ kỷ lục do chính tôi tạo ra ở kỳ SEA Games 30 ở sân Philippines. Tôi rất hạnh phúc bất ngờ.
Tôi nghĩ để đạt được kỷ lục đó có lẽ ngoài sự kiên trì nỗ lực, vượt qua khó khăn của bản thân, mục tiêu giành chiến thắng và khát khao hát vang Quốc ca của Việt Nam. Bên cạnh đó có sự cổ vũ động viên của thầy cô, gia đình, anh chị em bạn bè và đặc biệt của rất nhiều cổ động viên trên khán đài. Đây là những nguồn động lực rất lớn giúp tôi có nhiều tinh thần, sức khoẻ để chinh chiến.
Đối với vận động viên điền kinh, thế mạnh gồm những gì, có phải là chiều cao hay vóc dáng trong khi đều không "hội tụ" trong con người bạn?
- Tôi là vận động viên có thể hình, chiều cao rất khiêm tốn. Chính vì vậy trong quá trình tập luyện tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Tập luyện để bù đắp lại những gì mình còn thiếu sót.
Chúng tôi tập luyện theo giờ giấc cụ thể và tuỳ vào từng thời tiết trong năm. Buổi sáng tập 3 tiếng, chiều tập 2 tiếng, ngoài tập chính tập thêm bài tập bổ trợ phát triển thể lực chuyên môn cũng như kỹ thuật.
Được biết, trước khi đạt được nhiều thành tích như hiện nay, Oanh đã trải qua quãng thời gian muôn vàn khó khăn căn bệnh viêm cầu thận, có nguy cơ giã từ sự nghiệp. Bạn đã vượt qua nó như thế nào?
- Căn bệnh tôi mắc phải trôi qua khá lâu rồi. Đó là quãng thời gian rất khủng hoảng với tôi. Ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần. Thể lực của tôi lúc đó suy giảm, khối lượng cơ bắp không đủ điều kiện để đảm bảo tập luyện, thi đấu.
Vào ngày 18/12/2013, trên sân Wunna Theikdi ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar, tôi giành tấm huy chương Bạc nội dung 3000m vượt chướng ngại vật. Thế nhưng đang bước chân vào con đường sự nghiệp sau khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc ở Nam Định vào cuối năm 2014, tôi bất ngờ bị phù, tăng cân đột ngột. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm cầu thận. Buồn hơn cả đó là thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng tới xương khớp, làm loãng xương, teo cơ, không thể vận động mạnh chứ đừng nói đến chuyện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê điền kinh.
Lúc đó tôi chỉ tập trung điều trị chữa bệnh, không thể tập trung tập luyện gì. Tôi nghĩ với tình trạng sức khoẻ như thế có lẽ mình hết duyên với thể thao rồi. Có lẽ phải giải nghệ sau quá trình điều trị bệnh. Tôi suy nghĩ rất tiêu cực, rất khủng hoảng. Giờ nghĩ lại không hiểu sao mình có thể vượt qua. Tôi nghĩ lúc đó có gia đình, thầy cô, bạn bè, người thân đã động viên mình rất nhiều. Đó cũng là những động lực để tôi sau này cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn.
Tôi không nghĩ được rằng sau này mình có thể gắn bó, đạt được những mục tiêu mà mình nghĩ đã phải từ giã nó. Những buổi tập luyện trở lại của tôi rất khó khăn, mệt mỏi bởi cơ bắp đã bị teo rất nhiều so với thời điểm ban đầu tập luyện.
Tôi cảm nhận nó còn khó khăn hơn cả lúc tôi bắt đầu đến với con đường thể thao này. Gần như mình bị âm những gì mình có chứ không phải bắt đầu từ số 0 nữa. Mình phải cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè và gia đình để tôi có một kế hoạch tập luyện, hồi phục trở lại và tiến tới mục tiêu như bây giờ.
Cơ duyên nào Oanh đến với con đường trở thành vận động viên điền kinh?
- Để gắn bó với thể thao chuyên nghiệp này có lẽ sau khi tham gia các giải thi đấu dành cho các trường học. Cuối năm 2010 được tuyển vào trường năng khiếu của Thể thao tỉnh Bắc Giang, từ đó các thầy cô đã tạo cho mình những bước đệm đầu tiên trên con đường tiến tới thể thao. Tôi được huấn luyện và thi đấu ở các giải nhất định rồi được tuyển chọn lên đội tuyển quốc gia. Từ đó đến nay, tôi luôn luôn cố gắng hết mình để tập luyện.
Lúc bé trẻ con ở nông thôn như tôi có quá nhiều điều để mình hướng tới nhưng chưa bao giờ nghĩ vấn đề cụ thể nào hết. Ngay sau này lớn hơn, tiếp xúc nhiều hơn môi trường thể thao như các anh chị, bạn bè đồng nghiệp thì mình mới dần dần đam mê và yêu thích.
Được mệnh danh là "cô gái không phổi" của làng điền kinh Việt Nam, Oanh nghĩ sao về câu nói này?
- Tôi nghĩ chắc đó là biệt danh vui mọi người dành cho mình thôi (cười). Thực tế ở một nội dung nào, bất cứ giải thi đấu nào đều rất vất vả và nỗ lực của vận động viên họ phải bỏ ra. Có những cái mệt mà mọi người không tưởng tượng nổi, không riêng gì vận động viên chúng tôi mà ở lĩnh vực nào đó đều có sự mệt mỏi nhất định và chúng tôi cũng thế. Như bản thân tôi luôn cố gắng để vượt qua nó.
Với bộ môn điền kinh đòi hỏi mọi người cần chuẩn bị tâm lý, tập luyện ra sao để đạt thành tích cao. Khi thi đấu Oanh thường nghĩ đến điều gì, đến ai để giúp bạn có thêm động lực thi đấu?
- Trong thể thao nói chung và bộ môn điền kinh nói riêng đòi hỏi các vận động viên phải có tâm lý và thể lực phù hợp từng nội dung mà mình tham gia tập luyện, thi đấu. Mọi người đều có sự quyết tâm, ý chí và kiên trì, sự nỗ lực không ngừng nghỉ qua những khó khăn và mình bước tới tới mục tiêu, giới hạn bản thân.
Trong cuộc sống cũng như trong thời gian tôi theo đuổi sự nghiệp vận động viên có rất nhiều nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mình. Những người đặc biệt nhất chính là gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, bên cạnh và chia sẻ cho tôi mọi niềm vui nỗi buồn.
Bên cạnh đó có những người thầy, người cô từ những ngày khi mà tôi mới nhen nhóm biết đến chạy bộ, đến với thể thao tỉnh Bắc Giang và được tuyển chọn tập trung tại đội tuyển thi quốc gia với sự dẫn dắt của rất nhiều thầy cô và sự quan tâm của thầy cô bạn bè tôi nghĩ tất cả mọi người đều có những ảnh hưởng, góp phần rất lớn trong sự của mình.
Là một trong 4 vận động viên được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng nhì lần này, cảm xúc của Oanh thế nào?
Đây là một món quà hết sức ý nghĩa và giá trị trong sự nghiệp của bản thân tôi. Tôi thực sự trân trọng điều đó với những công sức mà mình cống hiến đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng món quà rất xứng đáng. Đó là niềm vui mà tôi muốn chia sẻ đến với gia đình, những người thân và muốn chia sẻ tới tất cả mọi người ủng hộ, quan tâm mình.
Bên cạnh đó tôi rất vui bởi sau khi thi đấu được chia sẻ với người thân trong gia đình đặc biệt với bố mẹ ngay tại sân vận động. Bố mẹ cùng các chị và các cháu đã đến sân cổ vũ, tiếp thêm động lực cho mình.
- Sau một giải đấu mỗi vận động viên đều muốn nhanh chóng về với gia đình. Đó là chốn bình yên nhất của mỗi người và tôi cũng vậy. Sau những áp lực, căng thẳng, mệt mỏi tôi muốn được về với gia đình, trong vòng tay của cha mẹ. Kết thúc nội dung cuối cùng của bộ môn điền kinh tôi đã trở về thăm nhà sau nhiều ngày xa nhớ. Đó là những ngày thư giãn với mình. Tôi tạm gác lại những âu lo, mệt mỏi của tập luyện để hưởng thụ trọn vẹn bên gia đình. Bố mẹ rất vui, bố mẹ cũng hay động viên. Đó là không khí rất đầm ấm mà tôi rất ao ước.
Trong dự định sắp tới để không ngủ yên trên chiến thắng, mục tiêu của Oanh là gì?
- Mục tiêu sau SEA Games 31 vừa qua đó là tiếp tục tập luyện, hồi phục sức khoẻ để sẵn sàng cho những giải đấu tiếp theo để mình có thể lực tốt nhất, đảm bảo nội dung mà mình tham gia thi đấu. Đặc biệt cuối năm nay có đại hội thể thao toàn quốc tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt cuộc thi của mình. Sang năm 2023, có một mục tiêu rất lớn đó là kỳ SEA Games 32 được diễn ra tại Campuchia, đó cũng là nhiệm vụ trọng điểm mà ngay từ bây giờ tôi đã sẵn sàng chuẩn bị. Mong sao mình thật khoẻ để chạy tốt hơn nữa.
Thể thao là môi trường giao lưu kết nối rất nhiều không chỉ trong nước và quốc tế. Trong quá trình tập luyện thi đấu, tôi cũng đã làm quen được với nhiều đồng đội cũng như các bạn trong nước và quốc tế.
Thể thao đã mang lại cho tôi rất nhiều điều, đã tôi luyện cho tôi trở thành con người ý chí hơn, nghị lực hơn và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Là con đường giúp tôi chạm đến rất nhiều ước mơ trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ có nhiều điều tôi không thể nào có được, trong thể thao tôi đã đạt được và có những cảm xúc khi mình giành được chiến thắng.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua với tôi có rất nhiều khó khăn, có thời điểm chấn thương nặng , bệnh tật nhiều lúc không thể nghĩ mình quay lại với thể thao chuyên nghiệp nhưng bằng những nỗ lực, quan tâm động viên của mọi người mà tôi đã trở lại.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của VĐV Nguyễn Thị Oanh!
Chủ tịch nước vừa quyết định tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho bốn vận động viên Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Oanh.
Đội tuyển bóng đá nam U23 và đội tuyển bóng đá nữ quốc gia được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, theo quyết định ngày 31/5. Ngoài ra, 19 cá nhân xuất sắc khác được tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Huy Hoàng là hai trong bốn vận động viên xuất sắc SEA Games 31. Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, giành ba huy chương vàng ở ba nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật; phá một kỷ lục SEA Games ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 2000, đoạt năm huy chương vàng, trong đó bốn huy chương vàng cá nhân 400m tự do, 1.500m tự do, 800m tự do, 200m bướm và một huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam; phá hai kỷ lục SEA Games nội dung 400m tự do và tiếp sức 4x200m tự do nam.
Kình ngư Trần Hưng Nguyên sinh năm 2003, giành huy chương vàng 200m hỗn hợp nam, 400m hỗn hợp nam, 4x200 m tự do và đặc biệt là nội dung 200m ngửa nam là bất ngờ lớn.
Nguyễn Thị Hương sinh năm 2001, giành năm huy chương vàng, trong đó có ba huy chương vàng cá nhân và hai huy chương vàng đồng đội môn đua thuyền canoeing.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 với 1.341 thành viên, trong đó có 951 vận động viên; giành tổng cộng 446 huy chương các loại, gồm 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng, phá kỷ lục SEA Games tại 17 trong tổng số 30 nội dung.