Dân Việt

Người dân tham gia BHXH, BHYT tăng mạnh qua từng năm

Diệu Linh 01/06/2022 11:48 GMT+7
Ngày 1/6, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho nhà báo phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022”.

Người dân tham gia BHXH, BHYT tăng mạnh qua từng năm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. 

Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm.

Người dân tham gia BHXH, BHYT tăng mạnh qua từng năm - Ảnh 1.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh CTV

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. 

Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.

Năm 2022, BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố phát triển người tham gia BHXH bắt buộc là 16.901.662 người tăng 2,1% so với năm 2021, BHXH tự nguyện là 2.277.652 người tăng 57,1% so với năm 2021, BHYT là 91.760.722 người tăng ,3% so với năm 2021.

Tại hội nghị, ông Dương Văn Hào Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) chia sẻ, tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHXH là 16,608 triệu người, đạt 86,6% kế hoạch, đạt 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 183,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 60,8 nghìn người so với cuối năm 2021, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, BHXH bắt buộc: 15,328 triệu người, đạt 90,7% kế hoạch, tăng 185,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 231 nghìn người so với năm 2021, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

BHXH tự nguyện: 1,279 triệu người, đạt 56,2% kế hoạch, giảm 1,9 nghìn người so với tháng trước, giảm 170,5 nghìn người so với năm 2021, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Riêng về BHYT, tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHYT là 85,853 triệu người, đạt 93,6% kế hoạch, đạt tỷ lệ 86,8% dân số, tăng 508 nghìn người so với tháng trước, giảm 2,983 triệu người so với cuối năm 2021, giảm 1,448 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Người dân tham gia BHXH, BHYT tăng mạnh qua từng năm - Ảnh 3.

Người dân thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh CTV

Tiếp tục đề xuất hoàn hiện chính sách BHXH, BHYT

Theo ông Hào, để hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT để thuận lợi hơn cho người dân tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế đề xuất, sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách. 

Về mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện là rất thấp, BHXH Việt Nam đã có Công văn gửi các Bộ, Ngành liên quan đề xuất nâng mức hỗ trợ.

Đồng thời tham mưu với các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tới cấp xã chỉ đạo, đôn đốc, lãnh đạo, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đôn đốc, phát triển đối tượng tham gia theo các phương án, đề án và giải pháp phù hợp với từng xã.

Đề xuất UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, và một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, người dân trước đây được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, nay không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT (do thay đổi về chính sách như: đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, …) để tăng nhanh diện bao phủ.

Đối với BHXH bắt buộc, BHXH địa phương tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, bám sát, đôn đốc đơn vị lập danh sách tham gia cho người lao động đầy đủ. 

Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức làm việc linh hoạt với đơn vị; lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên; doanh nghiệp năm 2021 có giảm tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN; Kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Đối với BHXH tự nguyện, cần rà soát, cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo địa bàn cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng (kế hoạch về số lượng hội nghị khách hàng) để tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia.

Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

Đối với nhóm do Ngân sách nhà nước đóng BHYT, phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, đối chiếu danh sách người được ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến, trẻ em....) nhưng chưa được cấp thẻ BHYT để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng theo quy định...