"Tuyệt chiêu" thuyết phục người lao động tham gia BHXH tự nguyện ở Phù Ninh
"Tuyệt chiêu" thuyết phục người lao động tham gia BHXH tự nguyện ở Phù Ninh
Thanh Ngân
Thứ hai, ngày 30/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Khi người lao động đến rút BHXH 1 lần, các cán bộ BHXH huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã có cách làm hay để thuyết phục người lao động không rút BHXH 1 lần mà chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH 1 lần tại Phù Ninh, có rất nhiều hồ sơ đã đến khâu trình ký nhưng cơ quan BHXH chưa ký ngay mà gọi điện tư vấn và dành thời gian cho họ suy nghĩ lại và vận động họ tham gia BHXH tự nguyện để tránh thiệt thòi.
Thậm chí có những trường hợp trình ký đến lần thứ 3 nhưng lãnh đạo BHXH huyện “nhất quyết” không ký rồi lại trực tiếp gọi điện tư vấn.
Vận động "quá tam ba bận" để người dân tham gia BHXH tự nguyện
Ông Phạm Văn Hả (sinh năm 1959 ở khu 1 xã Tiên Du huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 8 năm 1 tháng là cán bộ bán chuyên trách của UBND xã Tiên Du, được đóng BHXH bắt buộc.
Tháng 4 năm 2020 ông nghỉ việc, đến tháng 4/2021, ông ra cơ quan BHXH đề nghị hưởng chế độ BHXH 1 lần. Cán bộ BHXH huyện đã không lập tức giải quyết hồ sơ theo quy định mà dành thời gian tiếp xúc, tư vấn giải thích để ông Hà hiểu thêm về quyền lợi khi tiếp tục tham gia BHXH.
Ông Hà được biết, nếu ông tham gia BHXH tự nguyện tiếp cho đến khi đủ 10 năm đóng BHXH sau đó đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí sẽ đảm bảo cuộc sóng về già cho ông.
Ông Hà đã mang hồ sơ về nhà "suy nghĩ". Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, ông lại tiếp tục ra nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH 1 lần. Ông cho biết lý do không tiếp tục đóng BHXH là vì ông chờ được cộng nối thời gian công tác trong ngành công an sẽ đủ thời gian để hưởng lương hưu.
Ông Hà cho biết, ông có thời gian công tác trong ngành công an ở Sơn La trước năm 1993 nhưng do mất hết giấy tờ mà không xin lại được, đi lại nhiều lần nên ông nản, giờ ông chỉ muốn rút BHXH 1 lần.
Nhận thấy vướng mắc của ông bắt nguồn từ việc còn trăn trở thời gian công tác trong ngành công an, cán bộ BHXH huyện đã động viên, đề nghị ông tìm lại xem còn giấy tờ gốc gì không. May mắn là ông đã sao được lý lịch đảng viên.
Trong lý lịch đảng viên thể hiện sau khi phục viên, ông được tiếp nhận vào biên chế một cơ quan nhà nước và hưởng chế độ khi nghỉ việc trước năm 1995. Như vậy, ông không thuộc đối tượng được cộng nối thời gian công tác.
Sau khi nghe giải thích, ông Hà đã không còn trăn trở về thời gian làm công an trước kia nữa. Tuy nhiên ông vẫn chưa quyết định đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu với lý do tuổi đã cao.
Ngày 11/11/2021, lãnh đạo cơ quan BHXH huyện đã mang bản quyết định hưởng trợ cấp BHXH một lần (chưa ký) vào tận nhà ông Hả để gặp gỡ gia đình ông. Cán bộ BHXH còn mời bà Hoàng Thị Tám ( cùng khu với ông Hả) là trường hợp hưởng lương hưu BHXH tự nguyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đi cùng.
Tại buổi gặp gỡ này, cán bộ BHXH huyện lại tiếp tục thuyết phục ông Hà tham gia BHXH tự nguyện, không rút BHXH 1 lần. Cuối cùng, ông Hà đã tin tưởng thay đổi quyết định.
Ông Hả đã đồng ý nộp luôn 12 tháng BHXH tự nguyện, chờ khi đủ 10 năm sẽ đóng một lần cho những năm còn thiếu. Như vậy, nhờ kiên trì thuyết phục, không bỏ cuộc giữa chừng, cán bộ BHXH huyện Phù Ninh đã giữ chân được 1 người dân không ra khỏi mạng lưới an sinh.
Nếu như ngay từ đầu, ông Hà mang hồ sơ xin rút BHXH 1 lần, cán bộ BHXH chỉ làm theo nguyên tắc thì mạng lưới an sinh BHXH đã mất 1 người tham gia và ông Hà cũng sẽ không còn cơ hội nhận lương hưu, an hưởng tuổi già.
3 lần xin thanh toán BHXH 1 lần không được, đóng luôn 80 triệu BHXH tự nguyện để lĩnh lương hưu
Một trường hợp khác mà các cán bộ BHXH huyện Phù Ninh đã kiên trì thành công là bà Khuất Thị Anh Văn (sinh năm 1962 ở khu 12 xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Bà Văn có 9 năm 9 tháng làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn huyện Phù Ninh. Tháng 12/2020 bà Văn nghỉ việc do công ty giải thể. Do đã nhiều tuổi nên bà không xin được vào làm việc tại các công ty khác.
Sau khi nghỉ hưởng hết bảo hiểm thất nghiệp, bà Văn nộp đơn lên cơ quan BHXH huyện Phù Ninh đề nghị giải quyết BHXH 1 lần.
Chỉ trong đầu tháng 12/2021, bà Văn nộp hồ sơ tới 3 lần và cả 3 lần cơ quan BHXH đều gọi điện thuyết phục chị không thanh toán trợ cấp BHXH một lần. Lần nào bà cũng đưa ra lý do: tuổi cao nên không xin được việc làm để tham gia BHXH, còn ở nhà thì không có tiền đóng BHXH tự nguyện.
Với những lý do này cơ quan BHXH đã thuyết phục bà Văn tạm thời dừng chưa thanh toán BHXH 1 lần để suy nghĩ. Lần thứ 3 chị lại tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thanh toán BHXH 1 lần, lần này cơ quan BHXH đã mời bà Văn lên làm việc để nghe tâm tư của bà.
Bà Văn chia sẻ, bà nghe mọi người đồn rằng nếu không thanh toán BHXH 1 lần ngay sẽ thay đổi luật thì thiệt lắm. Có người lại can: "Bỏ ra một đống tiền đóng biết hưởng được bao nhiêu, chả sống được lâu lại mất hết".
Nghe những băn khoăn này của bà Văn, cán bộ BHXH đã từng bước giải thích, tư vấn cụ thể để bà tin tưởng vào sự bền vững của chính sách BHXH. Cán bộ BHXH còn tính toán cho bà Văn phương án nộp tiền BHXH tự nguyện, tổng số tiền đóng vào và tổng quyền lợi được hưởng để bà Văn hiểu nếu rút BHXH 1 lần sẽ thiệt thòi mà tuổi già lại bấp bệnh.
Sau khi nghe phân tích, bà Văn quyết định rút đơn không hưởng trợ cấp BHXH một lần nữa mà về tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Với phương thức nộp 3 tháng từ tháng 12/2021 đến tháng 02/2022 đủ 10 năm tham gia BHXH, tháng 3/2022, bà Văn đã nộp một lần cho 10 năm còn thiếu với tổng số tiền 79.148.000 đồng và hưởng lương hưu từ tháng 04/2022.
Giờ mỗi lần gặp cán bộ BHXH, bà Văn lại phấn khởi và cảm ơn vì đã kiên quyết từ chối hồ sơ rút BHXH 1 lần của bà. Nếu không giờ này bà đã không được thảnh thơi đi lĩnh lương hưu.
Như vậy, trên thực tế có nhiều người lao động chưa đủ tin tưởng vào chính sách BHXH hoặc chưa hiểu biết thấu đáo về chính sách nên đã rút BHXH 1 lần, bỏ lỡ cơ hội hưởng lương hưu của mình.
Nhất là với những người lao động có tuổi đời còn trẻ, chưa nghĩ đến tương lai thì việc vận động họ rất khó khăn. Còn đối với những người nhiều tuổi, có vướng mắc thì việc thuyết phục họ phải kiên trì và tìm ra lý do khiến họ từ chối quyền lợi của mình.
Để làm được việc trên, đòi hỏi cán bộ tuyên truyền cần có kỹ năng phân tích, sự am hiểu sâu về cả nghiệp vụ chế độ chính sách, nghiệp vụ sổ thẻ để có thể kết hợp thuyết phục người dân thay đổi ý định của mình.
Nhiều người lao động sau khi bị trì hoãn rút BHXH 1 lần nhiều lần và quay sang tham gia BHXH tự nguyện không những không bức xúc mà còn cảm ơn cán bộ BHXH vì đã kiên trì, kiên nhẫn thuyết phục để họ không đánh mất quyền lợi bền vững của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.