Dân Việt

Thị trường "méo mó", dòng tiền "dễ dãi", cảnh báo "nóng" về nợ xấu

Huyền Anh 01/06/2022 14:41 GMT+7
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Dòng tiền "dễ dãi" là nguyên nhân nợ xấu tăng

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong suốt 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, vấn đề duy trì chính sách tiền rẻ, chính sách tiền tệ nới lỏng, bên cạnh những mặt cấp thiết tích cực cũng có những hệ lụy khó tránh khỏi. 

Đó là, một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi này đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích, khiến vấn đề bong bóng ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu "doanh nghiệp 3 không" và nhiều tài sản tài chính khác. 

Mới đây, khi các cơ quan hữu trách nhà nước đã ra tay xử lý trọng điểm, lập tức những thị trường này co xẹp lại và rơi vào trầm lắng một cách bất thường.

Thị trường "méo mó", dòng tiền "dễ dãi": Nợ xấu còn tăng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) - Ảnh: QH

Dẫn chứng bằng những con số liên quan đến thị trường chứng khoán, đại biểu Đồng nêu rõ, VN-Index sau khi gần như đi ngang suốt hai năm 2018 và 2019 đã tạo đáy ở mức 650 điểm vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên quy mô toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. 

Kể từ đó tới đầu tháng 4/2022 nhìn chung thị trường liên tục đi lên và chạm vùng đỉnh điểm giá trên 1.500 điểm, tăng tới 250%, nhưng kể từ sau mốc đó đến trung tuần tháng 5 thị trường trong xu hướng lao dốc. 

Ngày 17/5 chỉ còn giao dịch quanh mức 1.200 điểm, thanh khoản thị trường chỉ còn quanh mức 16.000 tỷ đồng, thấp xa so với thời điểm đạt 50.000 tỷ đồng. 

Điểm lưu ý nữa là cũng tính từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu tới cuối tháng 4/2022 nhà đầu tư nước ngoài thực đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD, còn tính từ đầu năm tới cuối tháng 4 vừa qua mức bán ròng của nhóm này đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. 

"Câu hỏi đặt ra là có đúng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp.

Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này hiện thực sự đứng ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới?", đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề.

Cũng theo vị đại biểu này, những ngành kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ, tài chính ngân hàng đã "kiếm lợi" lớn trong suốt thời đại dịch.

Theo đó, thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực này cũng tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách nhà nước thặng dư cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch đã được đặt ra trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại đầu kỳ họp này. Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu là toàn thị trường tài chính, tiền tệ, tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo, đang gia tăng và tích tụ rủi ro và nay đối mặt với tình trạng lạm phát cao toàn cầu.

Cho rằng, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đã khá rõ, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.

Cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu

Đồng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn (tỉnh Thanh Hóa) khẳng định, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng VAMC mang lại chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thị trường "méo mó", dòng tiền "dễ dãi": Nợ xấu còn tăng - Ảnh 2.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (tỉnh Thanh Hóa).

Đặc biệt sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế. Điều đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết có hiệu lực.

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.