Chiều nay ngày 1/6, giá xăng E5 RON 92 tăng tiếp 600 đồng/lít, xăng khoáng RON 95 tăng 920 đồng/lít, mức tăng lập kỷ lục mới khiến giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp, đạt đỉnh trên 31.500 đồng/lít.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giá xăng tăng cao kỷ lục sẽ ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp và tâm lý xã hội, và các cân đối vĩ mô. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đều đa số tán thành với việc cần nhanh chóng hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, từ đó giảm giá đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất.
Theo đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá xăng dầu tăng cao.
Ông đề nghị cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn 2 biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu.
Riêng đối với giá xăng dầu đại biểu cho rằng, cần giảm các loại thuế với giá xăng dầu. Bởi nếu không hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ dẫn đến "domino tăng giá" ở các mặt hàng khác.
"Cần nhanh chóng giảm đầu vào cho doanh nghiệp, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa, chú trọng bình ổn giá", đại biểu nêu.
Đồng tình, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị cần quan tâm thích đáng tới lạm phát. Chính phủ và chính quyền các cấp cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Bà đề nghị cần sớm có biện pháp giảm tốc giá xăng dầu.
Liên quan đến giá xăng dầu, bên hành lang Quốc hội chiều nay (1/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra 3 vấn đề.
Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nếu nói giá xăng dầu vật tư chiến lược trong nước tăng tác động tới giá cả hàng hóa khác, tăng chi phí sản xuất, và chương trình phục hồi có thể đổ vỡ - như vậy không sai. Tuy nhiên, nhìn chiều ngược lại, nền kinh tế nước ta có độ mở rất cao cho nên hàng hóa của Việt Nam làm ra chủ yếu là xuất khẩu.
"Bây giờ chúng ta "ép" giá đầu vào thì giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị và vô hình chung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Chúng ta sản xuất ra bán cho người tiêu dùng trên cả thế giới nhưng giá sản phẩm không phản ánh đúng giá trị như vậy có phải thiệt hại không?", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Cũng theo tư lệnh ngành công thương, Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nếu như "ép" đầu vào các đối tác của Việt Nam sẽ kiện Việt Nam về chống bán phá giá, chống trợ cấp và thậm chí kiện Việt Nam thao túng tiền tệ.
"Thế có phải cháy nhà mấy đầu không", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Thứ ba, là vấn đề luôn lậu qua biên giới. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu cần phải cân nhắc rất kỹ.
"Trong lúc này, một mặt chúng ta vẫn phải dùng các công cụ kể cả thuế, rồi kiểm soát thị trường để giảm giá, trong trường hợp giá tiếp tục tăng cao ta dùng chính sách an sinh để hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế như vậy sẽ được cả trong lẫn ngoài. Nếu chúng ta chỉ nhìn theo hướng "ép" làm sao thật thấp giá nguyên liệu đầu vào vô hình chung gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước, vô hình chung chuốc thêm những hậu quả như tôi đã đề cập và buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng là thách thức rất lớn", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.