Nhà tôi ở ngoại thành, trước thuộc Hà Tây (cũ) nên mưu sinh trên phố là thử thách rất lớn với bố mẹ tôi. Chẳng biết từ đâu mà mẹ tôi có nghề đi bán hoa rong từ hồi con gái.
Mẹ kể, hoa ngày đó thường được dàn ra nia, ra thúng rồi đặt vào đôi quang gánh, đi bán rong khắp các phố chứ không như bây giờ, hoa cắm xô thùng hay trong tiệm, thế mới gọi là "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa".
Mẹ thường rao hoa từ ga Hàng Cỏ rồi sang phố Huế, trở lên Hàng Bài – Hồ Gươm. Tiếng rao êm ru, ngọt lịm đã làm bao trái tim chàng trai si mê, theo đuổi. Và, cũng từ tình yêu với hoa, bố mẹ tôi nên duyên với nhau.
Bố tôi từ một chàng trai lực điền, chuyên đóng gạch thuê cũng sắm cho mình một chiếc xe thồ đi bán hoa, phục vụ thú chơi hoa sành sỏi của người Hà thành.
Tháng nào hoa nấy. Người Hà thành có những loại hoa đặc trưng mà hễ nhìn thấy loài hoa đó trên đường, họ biết ngay tháng mấy.
Tháng Tư trắng tinh khôi hoa bách hợp. Tháng Sáu duyên dáng hoa sen, Mười Hai hoa cải hay mùa thu hoa cúc, hoa sữa nồng nàn. Còn đi lễ đình, chùa thì hoa huệ là chuẩn nhất.
Mẹ tôi thương nhất những bó huệ bị ế. Mẹ thường bảo "mảnh đời của huệ" thơm mà bạc, thanh mà bần. Rồi, mẹ lại nâng niu và chọn chiếc lọ đẹp nhất cho huệ tỏa hương sắc.
Buôn hoa thì phải biết chơi hoa. Nên cứ đầu mùa hoa nào, cho dù đắt đến mấy mẹ tôi đều cắm trong nhà loài hoa đó thật rực rỡ, lỗ lãi không phải chuyện hàng đầu cho dù nhà tôi chẳng khá giả gì.
Mẹ tôi thường gọi nghề đi bán hoa là nghề "dâng hương cho đời" nhưng cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Mỗi ngày, bố mẹ tôi thường ra khỏi nhà khi gà chưa buồn gáy sáng. Chợ hoa Quảng Bá lúc đó đã tấp nập kẻ mua người bán, đông vui như lễ hội.
Những đêm mưa giá rét, "thợ" buôn hoa như bố mẹ tôi chẳng bao giờ vắng mặt. Tôi đã nhìn thấy đôi bàn tay đỏ ửng, cước mọng lên vì lạnh giá của mẹ, kèm thêm những vết gai hoa hồng sắc nhọn vô tư cắm liểng xiểng vào lớp da mỏng manh...
Có lần tôi tự hỏi, hoa có ăn được đâu mà người Hà Nội ngày nào cũng mua nhỉ? Chẳng phải họ dư tiền đâu. Chơi hoa đã trở thành một thú tao nhã, nét thanh lịch trong tâm hồn họ đã từ xa xưa rồi.
Tôi chẳng bất ngờ khi thấy họ bỏ cả tiền triệu chơi hoa lê sau tết hay vài trăm nghìn mua bóa hoa ưng ý vào ngày dưng.
Mẹ tôi kể, có những khách quen cứ độ hai ngày là họ thay hoa một lần. Họ luôn duy trì hoa tươi trong nhà. Thấy hoa là thấy là thấy nụ cười đang nở, hoa đem lại cho họ sự hứng khởi, vui vẻ và thư giãn, đó chính là một cách "ăn" hàng ngày của người Hà thành.
Ngày mới vào nghề, bố tôi còn e ngại – dùng dằng. Mẹ tôi động viên mãi bố mới chịu đi bán hoa. Người đàn ông sức vóc, bàn tay thô ráp phải học cách nâng niu từng bông hoa, giữ cho hoa sự tươi tắn cả ngày và nở nụ cười thân thiện với khách thật khó.
Và, bố tôi đã làm được. Quanh khu vực công viên Thống Nhất, bố tôi thuộc từng ngõ ngách, khu tập thể, từng khách thích hoa gì, mua vào khung giờ nào, bố tôi đều xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm.
Bố tôi kể, người Hà Nội có thể mặc cả mớ rau, lạng thịt nhưng mua hoa chẳng mấy ai kì kèo giá cả, miễn sao họ chọn được những bông hoa tươi tắn. Họ đồng cảm cho những người làm cái nghề chẳng mấy khi được ngủ tròn giấc và luôn lo ngay ngáy phải bán hoa hết trong ngày.
Người Hà Nội sành nhận diện hoa tồn, hoa ế... họ luôn thích những bông hoa vừa được ngắt lúc sáng còn đọng hơi sương, tỏa hương dịu mềm. Cái thú chơi hoa ấy của người Hà Nội đã tạo việc làm cho không ít dân tỉnh lẻ như bố mẹ tôi.
Mấy chục năm đạp xe thồ tỏa hương thơm khắp phố phường, bố tôi có những "đồng nghiệp" không cùng cơ quan.
Hình ảnh của những người đàn ông bán hoa như một khuôn mẫu mà ai nhìn vào đều thấy rõ được sự hiền lành, chất phác của họ. Dép tổ ong, đội mũ cối, bộ quần áo một màu và hàm răng ngà ngà nhuốm màu thuốc lào, họ chẳng mời mọc xum xuê nhưng khách cứ đến mua hoa đông đúc.
Giờ, bố mẹ tôi đã luống tuổi và không còn đi bán hoa. Song, mỗi lần thấy chợ hoa Quảng Bá trên tivi, họ lại hào hứng kể về đêm hội tràn đầy màu sắc và hương thơm...
Mỗi lần về qua đường Lê Duẩn, tôi ngó ra từ ô cửa xe buýt, thấy những xe hoa rong xếp hàng đều tăm tắp, bỗng trong tôi hiện ra hình ảnh lam lũ một thời của bố mẹ.
Tôi cứ ngẩn ngơ mãi về nụ cười tỏa ra từ vành nón lá, khói rít thuốc lào lảng bảng trên nóc mũ cối...
Hà Nội giờ đông đúc – tắc đường nhưng luôn có chỗ cho những gánh hoa rong, chở theo biết bao kỷ niệm.
Bài viết Nhớ gánh hàng hoa bán rong dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.