Ký ức Hà Nội: Chuyến xe đêm về trường cũ

Hồ Công Thiết Thứ ba, ngày 31/05/2022 08:24 AM (GMT+7)
Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa sơ tán về xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Bình luận 0

Ngày 1/11/1969, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 18 trở lên. Trường PTCN cấp 3 Đống Đa được phép trở về Hà Nội. 

Tôi và một số bạn nam sinh thuộc đội cờ đỏ của trường được thầy Hiệu trưởng Vũ Mạnh Kha giao việc, dẫn một đoàn xe bò, từ nơi sơ tán ở xã Thọ Xuân về trường ở ngõ Quan Thổ 1, phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội). 

Không biết do to xác hay vì tôi là đứa sống ở phố Hàng Bột nên được tin tưởng giao phụ trách việc này.

Ký ức Hà Nội: Chuyến xe đêm về trường cũ - Ảnh 1.

Trường THPT Đống Đa hiện tại. Ảnh: Hồ Công Thiết

Đám học sinh lau rửa bàn ghế, đồ dùng học tập và hàng trăm thứ bà rằn của trường rồi phụ các bác nông dân chất lên những chiếc xe bò kéo. 

Sẩm tối, chúng tôi theo đoàn xe khởi hành về Hà Nội, lại thấy đám con gái tất tả chạy theo xe, dúi cho lũ phụ lái xe bò chúng tôi những chai nước lọc. Đám học sinh được ngồi xe bò về nhà thì sướng rơn nên chẳng đứa nào để ý đến đoạn chuẩn bị nước uống cho cả một đêm dài.

Để ra được thị trấn Phùng, đoàn xe phải leo dốc lên đê. Từng chiếc xe bò chở kềnh càng những bàn và ghế được đám chúng tôi bâu lại phụ đẩy.

Chiếc xe đầu tiên đã gần đến đoạn ra phố Phùng mà đám chúng tôi vẫn còn phải cùng những chiếc xe cuối vật lộn với triền đê. Vất vả vậy nhưng ra đường nhựa, ngồi trên xe mà không đứa nào ngủ được.

Lũ chúng tôi cứ thoăn thoắt trèo từ xe này sang xe khác để gặp nhau, rồi suy luận, rồi tranh luận. Đứa bảo sao Mỹ ngừng ném bom mà lại phải đi đêm, đứa lại bảo đi đêm đường mới vắng, không phải tránh ô tô.

Việt "cồ" (tên là Việt nhưng vì có Đại Cồ Việt nên gọi luôn nó là Việt "cồ") lại khẳng định chắc nịch: "Xe phải lấy từ nhiều hợp tác xã nên phải đi đêm để hôm sau còn về làm ruộng".

Hết chuyện này sang chuyện khác, cứ râm ran suốt cả quãng đường. Đêm đấy đường quốc lộ hướng về Hà Nội đông vui. Ô tô, xe đạp, người đi bộ, người gồng gánh đi xen kẽ với đoàn xe bò của trường Đống Đa.

Trên những chiếc xe bò đang lăn chậm rãi, cả bọn học trò háo hức phấn chấn khi chỉ sáng mai thôi, chúng tôi sẽ được ổn định học tập ở trường cũ, được thoát cảnh sơ tán và nhất là lại được sống và sinh hoạt cùng gia đình, lại được bát phố dưới ánh đèn điện lung linh.

Về đến trường ở ngõ Quan Thổ 1, trời mới chỉ tờ mờ sáng mà các thầy cô đã đứng đông trong sân trường, phụ giúp dỡ bàn ghế.

Ở Thọ Xuân, từ đạc này sang đạc nọ (đạc là từ địa phương chỉ đơn vị thôn) toàn đường đất. Lớp là những lán lợp mái rạ hoặc lá cọ, có tường đất bao quanh để tránh bom.

Ký ức Hà Nội: Chuyến xe đêm về trường cũ - Ảnh 2.

Trường THPT Đống Đa gắn bó với nhiều kỷ niệm của người viết. Ảnh: Hồ Công Thiết

Về đến trường cũ được xây nguy nga mấy tầng, cả lũ học trò theo xe chạy ùa vào các lớp học, cố nhìn, cố nhớ, và cố tưởng tượng lớp mình sẽ được xếp học phòng nào.

Nửa thế kỷ nhìn lại, những kỷ niệm tuổi thơ cứ đan xen và lạ một nỗi chỉ nhớ những chuyện vui, chuyện xúc động, chuyện ân tình. Mọi người đều đã có tuổi, đã nghỉ hưu, nhưng dường như những cá tính từ thuở niên thiếu gắn liền với họ như định mệnh.

Những khi có dịp hội tụ, chúng tôi lại hàn huyên những kỷ niệm, và tính cách từng đứa vẫn như xưa, không lẫn vào đâu được.

Độc giả đang đọc bài viết Chuyến xe đêm về trường cũ tham dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội. Tác phẩm dự thi xin gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem