Dự án cầu Bạch Đằng 2 là dự án cầu bắc qua sông Đồng Nai để nối hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Dự án được triển khai xây dựng tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành xây dựng sau 15 tháng thi công nhưng đến nay đã gần nửa năm thi công, dự án mới cơ bản triển khai phần khoan cọc nhồi phía bờ Bình Dương còn bên bờ Đồng Nai vẫn “dậm chân tại chỗ” vì vướng mặt bằng.
Theo đó, dự án cầu Bạch Đằng 2 khởi công vào cuối tháng 12/2021. Sau lễ khởi công, liên doanh nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP Đầu tư và xây dựng 492 đã huy động nhân công và các thiết bị đến công trường để phục vụ công tác thi công nhưng đến nay các hạng mục của dự án vẫn được triển khai ì ạch.
Ông Hoàng Tuân, Giám đốc điều hành dự án cầu Bạch Đằng 2 cho biết, công tác thi công bên phía bờ Bình Dương khá thuận lợi, đến nay nhân công đang đóng cọc khoan nhồi các mố trụ cầu.
Còn phía bờ Đồng Nai chưa có đường công vụ, chưa có mặt bằng nên không thể đưa máy móc ra bờ sông nên việc thi công chưa thể thực hiện.
Cũng theo ông Tuân, phía bờ Đồng Nai, đơn vị cũng cho xây dựng lán trại để cho công nhân, giám sát ở nhằm xây dựng công trình tốt nhất nhưng do chưa có đường công vụ phục vụ thi công nên lán trại xây xong vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
“Với tiến độ thi công như hiện nay, việc hoàn thành dự án đúng tiến độ theo hợp đồng là rất khó. Tiến độ dự án được xây dựng trước đó đòi hỏi 2 mũi thi công tại 2 đầu cầu phải thực hiện đồng thời và phải hoàn thành trong cùng một thời gian và việc rút ngắn tiến độ là không thể thực hiện. Hiện nay phần bờ bên Đồng Nai chưa có mặt bằng nên thi công sẽ còn ì ạch kéo dài”, ông Tuân nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, Đồng Nai vẫn đang chờ thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hỗ trợ, bồi thường và giải phóng mặt bằng để xây cầu Bạch Đằng 2.
Ông Tài nói rằng hiện địa phương vẫn chưa nhận được hồ sơ ban đầu từ phía chủ đầu tư để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cũng theo ông Tài, sau khi nhận hồ sơ ban đầu từ phía chủ đầu tư, địa phương sẽ thực hiện lồng ghép với bản đồ địa chính để xác định ranh giới, diện tích đất và số lượng hộ dân trong khu vực phạm vi dự án để triển khai tiếp các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân để giải phóng mặt bằng.
Hiện, địa phương cũng mới chỉ được chủ đầu tư bàn giao về chủ trương mà chưa có hồ sơ ban đầu nên chưa thể triển khai các thủ tục tiếp theo. Vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi chủ đầu tư về việc bàn giao hồ sơ ban đầu của dự án. Và sau động thái này thì mới đây chủ đầu tư cũng đã liên hệ với các đơn vị chức năng để thực hiện hoàn thành hồ sơ thu hồi đất, xác định cụ thể ranh giới thu hồi.
"Chúng tôi vẫn chờ hồ sơ và sau khi hồ sơ này được bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu, địa phương mới có thể thực hiện các bước tiếp theo của quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Số lượng hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án cũng chỉ khoảng 5 hộ”, ông Tài nói.