Từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân đã sáng tạo ra những dụng cụ phục vụ cho công việc của mình để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, công việc đồng áng trở nên nhẹ nhàng, gia tăng chất lượng hàng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Út, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), đã sáng tạo ra dụng cụ gieo hàng để trồng rau ăn lá. Cách làm này đã tiết kiệm được lượng hạt giống đáng kể và công chăm sóc khi trồng rau màu.
Ông Út chia sẻ: “Tôi trồng chuyên canh rau được hơn 10 năm nay. Trước kia chủ yếu sạ rau bằng tay, hao hụt giống khá nhiều, mấy năm nay giá hạt giống có tăng nên tôi thấy cần tiết kiệm chi phí từ khâu giảm giống. Từ đó, tôi đã suy nghĩ, tìm tòi ra sáng kiến mới là phương pháp thước gieo cải tiến (gieo hàng) trên rau cải”.
Theo ông Út, thước gieo làm bằng một miếng tole xi măng có kích thước: 100cmx30cm. Trên thước này khoan lỗ với khoảng cách là 10cm, hàng cách hàng 10cm. Sau đó dùng miếng nhôm dài 50cm đặt lên miếng thước sạ hàng, dùng 4 ốc vít vặn lại ở hai đầu để miếng thước xi măng và thanh nhôm dính lại với nhau.
“Thước nhôm đóng lên thước sạ hàng dài hơn 10cm, mục đích làm dấu hiệu dùng để dời thước gieo hàng (tùy theo liếp rau mà có thể làm tăng thêm chiều dài của thước sạ hàng). Trước khi gieo, chọn hạt giống đạt chất lượng, để hạt giống khô ráo, lúc gieo hạt mỗi lỗ trên thước cần gieo khoảng 2-3 hạt giống. Sau khi gieo hạt giống xong phủ rơm lên mặt liếp một lớp mỏng để giữ ẩm và phun nước tưới cho hạt giống thấm ướt”, ông Út lưu ý cách làm.
Sử dụng thước gieo cải tiến được 2 vụ rau, ông Út đã giảm lượng hạt giống khá nhiều. Trên diện tích 1.000m2, bình thường ông sử dụng 1,8kg hạt giống nhưng khi áp dụng phương pháp thước gieo thì lượng hạt giống sử dụng giảm còn 0,7kg.
Hơn nữa, mật độ gieo hợp lý giúp hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, sức sống cây khỏe, đạt chất lượng, tăng năng suất, sâu bệnh giảm hẳn nên ít tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, ông Út tăng thu nhập so với các vụ rau trước khoảng 2 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, chi phí để làm 1 thước gieo chưa đến 100.000 đồng.
Còn ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Tây thì dùng viên băng phiến long não thay thuốc trừ sâu. Sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu, ông đã nắm được đặc tính mùi hương đặc trưng của viên băng phiến long não là xua đuổi côn trùng.
Ông tiến hành thử nghiệm bỏ viên băng phiến long não vào chai nhựa treo trong vườn bưởi, kết quả mang lại hiệu quả khá cao trong việc phòng trừ côn trùng gây hại. Sau một thời gian sử dụng, ông nhận thấy không còn côn trùng cắn phá, gây hại như ruồi vàng, rầy chổng cánh, từ đó vườn bưởi cho trái đẹp, da bóng láng, bán được giá cao.
Ông Tây cho biết: “Viên băng phiến long não là một chất rắn kết tinh có mùi hăng mạnh đặc trưng. Trước kia, long não được bà con sử dụng khá phổ biến trong việc chống lại côn trùng gây hại cắn phá tập, sách, quần áo… Vì vậy, khi treo trong vườn cũng có tác dụng tích cực với côn trùng gây hại ngoài vườn. Nếu như băng phiến long não có thể phòng trừ, xua đuổi được ruồi vàng, rầy chổng cánh gây hại trên cây bưởi thì có thể thực hiện treo trên các loại cây ăn trái khác. Sắp tới, tôi sẽ thử nghiệm trên cây cam, mận, ổi và hướng dẫn bà con sử dụng”.
Cũng nhờ cách làm này mà khoảng 1 năm nay, ông Tây ít dùng đến thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch bệnh trong vườn cây ăn trái. Từ đó đến nay, ông chỉ tốn tiền mua 1kg viên băng phiến long não có giá 100.000 đồng để treo 40 cây bưởi của gia đình.
Tuy 2 cách làm này khá đơn giản nhưng đem lại lợi ích thiết thực cho thực tiễn sản xuất. Sáng tạo của những người nông dân hay tìm tòi, học hỏi đã giúp nông sản Hậu Giang được sạch bệnh, an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, sáng kiến còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.