Hồi ấy, tre được trồng xung quanh làng, nhà nào cũng có một bụi tre to. Tre được trồng từ thủa xa xưa lắm, nên chùm rễ cọc xù xì, đâm lên những mầm măng non nhọn hoắt. Cậu tôi là thanh niên mới giải ngũ về, ông ngoại tôi hay nói chuyện với cậu về cây tre: "Tán gái cũng như đốn cây tre trong bụi, cây càng ở giữa, khó đốn nhưng mới đẹp, mới thẳng. Con gái càng đẹp, càng khó tán, càng ngoan". Câu chuyện ông kể mãi tới sau này cậu tôi vẫn nhắc lại như lời tuyên ngôn, như bài học nằm lòng về cuộc sống. Phải rồi, những cái gì dễ dãi chẳng bao giờ bền lâu và ngược lại.
Nhớ những buổi trưa hè nắng thiêu đốt như lửa. Nhìn lên ngọn tre, những chiếc lá mềm vẫn đung đưa theo gió. Cả nhà tôi đốn tre, bó vào từng bó nhỏ rồi kéo về giữa sân. Tôi vuốt vuốt từng gióng tre màu xanh đậm rồi lấy gai tre vẽ hình bông hoa. Khi ông tôi pha tre thành hai mảnh, tôi tước phần lõi màu trắng buộc lên chiếc gậy nhỏ làm cờ phe phẩy chơi trận giả cùng mấy đứa em. Nghe râm ran tiếng nói cười của cả nhà sau buổi sáng lao động đốn tre vất vả.
Buổi chiều, ông và cậu tôi lấy con dao vọ mài sắc, róc từng đốt tre cho phẳng, sau đó dùng chiếc cưa tách thành từng đoạn tre gồm hai gióng một khúc. Những thanh tre già sẽ được chẻ ra pha làm nan chổi. Chẻ làm tư ống tre, pha phẳng một một lần. Xoay ngang, chẻ năm hoặc chẻ bảy cho từng thớ tre thật mỏng. Xoay dọc, chẻ nhỏ thành từng chiếc nan chổi tre, chiếc nan chổi nhỏ nhỏ như đầu tăm, phải nhỏ thế mới quét sạch bụi trên sân. Bà tôi ôm từng bó phơi rải trên sân cho cái nắng trưa hè thiêu đốt, hút ẩm từ thân tre tươi. Từng chiếc nan chổi nhỏ được tôi luyện dưới nắng, khô và cứng cáp hơn nhiều. Những buổi trưa hè đi dọc đường nan tre phơi kín sân, nhà nào cũng một màu trắng thành hàng thẳng tưng, ngăn nắp.
Những chiếc gióng tre non thường lấy từ thân tre ở đầu ngọn. Tre non chẻ lát mỏng, phơi khô một nắng non rồi đem vào tước lạt. Ai tước khéo lạt sẽ dẻo mềm, khi vặn chạc sẽ quấn vào nhau rất chắc. Tôi cũng lấy dao bắt chước bà tước lạt, nhưng tôi vụng về tước lạt cứng lại còn bị đứt tay. Vết sẹo năm nào vẫn còn hằn in trên tay mà bà đã đi xa lắm rồi. Tôi cứ mênh mông nhìn chổi tre rồi nhớ tới bà da diết.
Lạt tre bện thành một cuộn dây lớn, cuốn thành cuộn dài. Sau khi những thanh nan chổi phơi đủ nắng, ông tôi mang vào chất đầy góc nhà. Bà tôi lấy một nắm nan chổi nhỏ, quấn dây được vặn từ lạt mỏng khoảng năm vòng, bà lại tiếp tục lấy nắm nhỏ những chiếc nan quấn năm vòng như thế nữa, nhưng xếp dịch xuống dưới khoảng một phân sao cho chiếc chổi thành hình vát nhẹ khi đặt xuống đất mềm quét sẽ dễ dàng. Khoảng tám nắm nan chổi đan hàng gối nhau, hàng sau thụt hơn hàng trước một phân.
Cuối cùng chiếc chổi tre hoàn thành, ông đóng thêm mấy chiếc cọc nhỏ xung quanh cho chiếc chổi tạo hình thù chắc chắn. Ông hay gọi công đoạn này là nêm chổi. Nếu chổi nào cần có cán thì ông sẽ chặt những cây tre nhỏ bằng cổ tay trẻ em, mọc ở ngoài búi, róc thành chiếc gậy nhỏ, gắn vào cuống chổi, gọi là chổi cán. Chối cán khi quét chỉ cần đứng, còn chổi không có cán khi quét phải khom lưng cúi xuống mới quét được.
Ngày chợ phiên trên thị trấn, chợ Phủ Gườm nằm cách làng tôi khoảng hai kilomet đi dọc đường quốc lộ Mười Tám, chợ họp vào ngày mươi, hai, năm, bảy. Mẹ và bà tôi chất từng hàng chổi trên đôi quang gánh bằng tre, gánh kĩu kịt trên vai nhịp nhàng. Những nhà hàng xóm cũng tranh thủ có buổi chợ phiên, họ nối thành hàng lên chợ bán sớm từ tờ mờ sáng. Khung cảnh rất đẹp, nhìn dòng người từ xa như những bó hoa màu trắng đang di chuyển theo hàng. Tuổi thơ tôi thấy vui mắt vậy thôi, chứ bây giờ tôi biết, vai mẹ tôi, bà tôi và các cô bác nặng lắm. Nặng cả mưu sinh cuộc sống hàng ngày vì có những buổi bán được, bán ế. Bao hi vọng ấm no cả nhà trông chờ cả vào gánh chổi tre buổi chợ phiên.
Làng quê tôi còn làm rất nhiều sản phẩm từ cây tre nữa như: rổ, rá, quang gánh, thúng, mủng, nong, nia… Nhưng thời bây giờ, người làm nông nghiệp thưa dần, nhiều phương tiện hiện đại thay thế, những đồ đạc lỗi mốt làm ra chẳng bán được cho ai. May mắn vẫn còn chiếc chổi tre tồn tại, bởi người làng quê vẫn cần phải quét sân trên nền đất mềm. Chổi tre vẫn được làng tôi làm ra nhưng không còn nhiều, cả làng chỉ còn khoảng mươi nhà giữ được vốn nghề. Một chiều mùa hè đi qua nhà cô Biên, tôi thấy những hàng nan chổi phơi trắng sân nhà. Bất chợt như gặp lại tuổi thơ rưng rưng, tôi lại nhớ ông, nhớ bà. Nỗi nhớ bỏng rát như buổi đốn tre mùa hè năm ấy.
Buổi chiều tháng Tư đổ nắng, tôi quét lá sấu rụng đầy sân nhà. Tiếng chổi tre loẹt xoẹt, sợi nan tơ mềm gom từng chiếc lá nhỏ thành đụm to. Tôi sợ làm đau kỷ niệm cũ, quét nhè nhẹ lên nền đất mềm. Lòng miên man tự hỏi, có khi nào những bụi tre chặt hết, làng nghề chẳng còn ai làm, chổi tre sẽ đi về đâu?
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.