Hà Nội trong ký ức của tôi có lẽ dùng một từ thì không thể gợi tả hết được vừa thân thương như hình ảnh của những người dân lao động, bác nông dân ta chợt gặp đâu đó bên đường. Vừa gần gũi, hồn hậu như bà con người dân tộc miền núi trên quê hương tôi. Hà Nội lại vừa kiêu hãnh như một nàng công chúa xinh đẹp bước ra từ trong câu chuyện cổ tích; đồng thời Hà Nội lại không kém phần hào sảng với bất kì ai từng một lần đặt chân đến mảnh đất được mệnh danh là "trái tim" của dải đất cong cong hình chữ S xinh đẹp…
Với một đứa trẻ mới lên 4 tuổi vào những năm 1987, lần đầu tiên được ghé Hà Nội qua quán hàng nước của cụ bà ở bến xe Kim Mã (cũ) có lẽ là ký ức đầu tiên tôi biết đến mảnh đất này. Do vô tình cô bé miền núi là tôi khi ấy đã làm vỡ chiếc chén nước chè của quán cụ. Tôi vì sợ hãi đã nấp sau lưng mẹ. Một bàn tay gầy guộc xoa đầu cùng câu trấn an: "Bé con sợ bà mắng à? Không sao đâu lỡ tay thôi mà, ra bà cho kẹo lạc nhé ". Lời nói nhẹ nhàng, gương mặt phúc hậu của cụ đã là một phần kỉ niệm không thể nào phai mờ trong ký ức của tôi khi ấy năm xưa.
Để rồi sau này mỗi dịp bố tôi có việc về Thủ đô công tác là trong ba lô của bố khi về chẳng bao giờ thiếu cái "thứ quà tuổi thơ" của mấy chị em tôi - những chiếc bánh mì Hà Nội nổi tiếng. Có lẽ, với trẻ con bây giờ bánh mì là thứ quà ăn vặt mua đâu cũng có, nhưng với những đứa trẻ thời chúng tôi ngày ấy bánh mì Hà Nội là cả một bầu trời thương nhớ. Chúng tôi lớn lên bằng cả những ký ức "mơ" thêm một lần được về Thủ đô như bố...
Sau này lớn lên khi trở thành một cô giáo miền núi với mong muốn mang cái chữ tới những học trò qua bộ môn Ngữ văn tôi từng yêu thích từ nhỏ thì có thêm nhiều lần tôi "mang" Hà Nội tới gần hơn với học trò của mình qua những bài giảng trong từng trang giáo án. Truyền thuyết sự tích Hồ Gươm - một truyền thuyết ca ngợi chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và giải thích tên gọi của Hồ Gươm (hồ Tả Vọng) hay Hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
Và rồi, mỗi khi có dịp thăm Hà Nội bất cứ người dân nào từ Nam chí Bắc, không phân biệt miền ngược hay miền xuôi nếu có dịp đặt chân tới mảnh đất ngàn năm văn hiến là mong một lần được ghé danh lam thắng cảnh nổi tiếng này. Được cảm nhận cái không khí mát lành, cảm giác thư thái như hòa mình vào cái nhịp sống hối hả của một Thủ đô luôn có sự chuyển mình không ngừng nghỉ. Được ngắm nhìn các cô các bà tập những bài tập dưỡng sinh hòa theo điệu nhạc. Được cho người thân trải nghiệm ngồi làm mẫu vẽ lưu giữ kỉ niệm về thăm Thủ đô cảm giác vừa xốn xang lại thêm phần hạnh phúc.
Hà Nội hiện lên qua tác phẩm "cầu Long Biên chứng nhân lịch sử " - cây cầu là nhân chứng đau thương cũng như quá khứ hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Để rồi trong bài giảng của mình, tôi kể cho các em nghe lần mình may mắn khi được về thăm "dải lụa đào" bắc ngang con sông Hồng, từ trên cầu nhìn xuống là những bãi ngô xanh mướt màu mỡ của bà con nông dân được những bãi phù sa bồi đắp thêm cho sự trù phú ấy, được cảm nhận niềm vui một mùa màng bội thu của bà con mình.
Được một lần đặt chân lên "chứng nhân" của lịch sử dân tộc, được chạm tay vào lan can cầu đã nhiều chỗ bạc màu hoen rỉ theo thời gian, được đi từ đầu cầu bên này qua hết các nhịp cầu bên kia và một lần như được sống lại sự tự hào vì mình là người Việt mang dòng máu "con Lạc cháu Hồng", để được cảm nhận trong đôi mắt học trò sự háo hức, niềm mong mỏi và câu nói vô tình thốt lên từ miệng những cô bé cậu bé học trò lớp 6 đầu cấp: "Con cũng muốn được một lần về thăm Hà Nội, thăm cầu Long Biên như cô".
Hà Nội trong tôi còn là hình ảnh Lăng Bác Hồ qua tác phẩm: "viếng Lăng Bác" của tác giả Viễn Phương với sự nghẹn ngào đầy xúc động. Mỗi lần giảng đến bài thơ ấy là không gian lớp học của cô trò tôi bị trùng xuống. Bọn trẻ thay nhau đọc thơ cho cô giáo và cả lớp nghe nhưng giọng đọc như nghẹn lại, khóe mắt có phần rưng rưng. Phải chăng cảm xúc của cô trò tôi lúc này cũng chính là cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương? Tất cả đều trào lên một tâm trạng xúc động không nói thành lời. Để rồi có dịp được cùng cả gia đình về "thăm Bác" mà khi ra về chỉ thấy có gì đó nuối tiếc chẳng muốn rời xa...
Hà Nội còn như "người mẹ thứ hai" dang rộng vòng tay vỗ về tôi trong cuộc sống đời thường suốt 12 năm, với 6 lần phẫu thuật tôi điều trị căn bệnh khối u mãn tính. Được gặp gỡ những người đại diện cho tấm lòng của những vị lương y bằng những câu hỏi động viên, khích lệ: "Cô giáo miền núi cố gắng, nốt lần phẫu thuật này là cô giáo có thể về với gia đình, về với những em học sinh thân yêu. Yên tâm nhá"...
Hà Nội còn đón tôi với những "đặc sản" rèn cho con người ta sự kiên trì, tính nhẫn nại, đó chính là những lần tắc đường. Những cơn mưa bất ngờ chợt đến chợt đi vào những chiều mùa thu hương hoa sữa nồng nàn khắp con phố Nguyễn Du, Quán Thánh...
Hà Nội còn khiến du khách có phần tư lự với những tiếng còi xe inh ỏi không quen tai với bất kì người dân nào đến từ những miền quê vốn thanh bình. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ bao dung cho thành phố này bởi cũng giống như con người, đâu ai là hoàn hảo. Phải có một chút điểm trừ để chúng ta thấy mình cũng vị tha, độ lượng và cũng thêm một lần thấy mình như yêu thêm cái thuộc về tất cả những ai có tình cảm sâu lặng với "trái tim"của một Việt Nam kiên cường, đoàn kết.
Bài viết Hà Nội trong tôi và những thế hệ học trò dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.