Ký ức Hà Nội: Bà già tóc trắng bán món chè đỗ xanh gần hồ Giảng Võ
Ký ức Hà Nội: Bà già tóc trắng bán chè đỗ xanh gần hồ Giảng Võ
Đinh Thành Trung
Thứ sáu, ngày 03/06/2022 08:00 AM (GMT+7)
Thời nay, một bát chè đỗ xanh mà có nhiều "topping" quá. Nào là trân châu, thạch các loại và nhiều thứ khác. Bát chè đậu xanh ngon nhất tôi từng ăn trong ký ức chỉ có chè không mà thôi. Quán chè nho nhỏ chỉ có vài chiếc ghế nhựa tin hin ở gần hồ Giảng Võ chừng hai mấy năm về trước.
Đó là chè đỗ xanh của một bà cụ mà bọn trẻ xung quanh gọi là bà già tóc trắng. Đó không phải là một danh xưng hỗn hào mà mang tính ngưỡng mộ. Hồi đó, bọn trẻ mê phim chưởng nên coi bà cụ là một "cao thủ" đạt đến đỉnh cao trong việc nấu chè.
Chè đỗ xanh, đơn giản thế thôi. Chè đỗ xanh như âu yếm tâm hồn chai sạn. Cũng mấy chục năm rồi đó, cũng chỉ biết ôm ấp mảng hồi ức đã úa màu.
Tôi không nhớ chính xác chiếc tủ chè của bà, chỉ còn đọng lại như in hương vị thanh mát tuyệt vời.
Tan trường, hơn chục đứa học sinh đã sà vào quán chè nhỏ của bà cụ. Sau ngày học hành với bao mộng mơ và ngáp vặt thì một bát chè đậu xanh là đủ để đưa bọn học sinh chúng tôi xuống mặt đất.
Góc phố nhỏ, quán hàng cũng nhỏ nhưng người nấu chè thì đã có vài chục năm kinh nghiệm. Bà nói mình đã bôn ba làm nhiều nghề nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được làm các món ngon cho mọi người ăn. Một ngàn một bát cũng chỉ vì như thế, bà chỉ lấy lại vốn và lấy công làm lãi thôi.
Món chè đỗ xanh trong ký ức của tác giả luôn có hương vị thật đặc biệt. Ảnh: Đinh Thành Trung
Món chè đỗ xanh của bà có hương vị thật đặc biệt, thứ mà bà cam đoan đó là vị chè Hà Nội đã được bà nghiên cứu nhiều năm và cải tiến để phục vụ tốt nhất cho vị giác cuả những đứa trẻ. Người ta nghe nói thế thì có vẻ không tin tưởng lắm, nhưng tất cả đều quay lại sau khi đã ăn một bát chè của bà.
Bà cũng không ngại chia sẻ cách nấu nhưng kèm theo câu: biết cách là một chuyện còn từ lý thuyết đến thực hành cũng không dễ đâu. Bà nói giống hệt cách thầy cô hay nói, bởi bà cũng từng dạy nấu ăn.
Bà bảo, thường thì người ta nói phương pháp nấu là quan trọng nhất, nhưng khâu chọn lựa nguyên liệu cũng góp phần lớn để món chè đỗ xanh nấu ra ngon.
Bà đãi vỏ đậu xanh cẩn thận, hạt đậu được chọn loại ngon lấy từ quê. Đậu được ngâm khoảng 3 tiếng để khi nấu chè mềm hơn, ăn mượt mà hơn.
Bà nấu bằng nồi đun bếp than chứ không nấu bằng nồi cơm điện. Khi nấu, chú ý đổ nước đúng mức và giữ lửa nhỏ. Vừa canh lửa, bà vừa vớt bọt cho sạch, khuấy đều tay để chè không dính đáy nồi. Đường nêm vào đều trong khi nấu cũng là cách để vị đượm hơn.
Bà chia sẻ kinh nghiệm bảo quản chè trong điều kiện thời tiết nóng. Chè của bà luôn trữ trong những chiếc phích đá đóng kín chứ không để vào bát phơi ngoài trời như mọi người.
Bà bảo đó là cách để không cho vi khuẩn và các mùi bên ngoài xâm nhập, giữ được hương vị thơm ngon cho món chè. Ngày đó chưa có màng bọc thực phẩm như bây giờ nên cách bà dùng là chuẩn vô cùng.
Tất cả chỉ nghe đơn giản như thế và bát chè của bà cũng đơn giản như chính con người bà vậy. Một ngàn đồng một bát. Một ngàn đối với mức sống ở Hà Nội ngày đó là quá rẻ cho một bát chè rồi, chỉ bằng một nửa nơi khác.
Bát chè đậu xanh đơn sơ, chè múc ra, cho thêm mấy sợi dừa nạo, lạc và ít đá. Vậy là đủ cho một thức quà ngọt ngào làm mê mẩn bọn trẻ ngày ấy.
Bà bảo, món chè đỗ xanh là thứ đơn giản nhất để hồi tưởng lại quãng đời học sinh, khi nhớ lại cảm giác vồ vập lấy một bát chè ngọt ngào. "Khi chúng máy lớn rồi thì it khi ăn lại lắm."
Vì thế khi trưởng thành rồi thì đừng quên những ngày vô tư thế này. Hồi ấy, lời bà nói triết lý và khó hiểu, nhưng giờ đây, sau ba chục năm, khi quán của bà không còn nữa tôi mới cảm nhận rõ ràng ý nghĩa và cảm giác ấy.
Bài viết Bà già tóc trắng bán chè đậu xanh gần hồ Giảng Võ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.