Bất kỳ ai cũng hình dung được thế trận của cuộc so tài này từ trước khi trận đấu diễn ra. Đó là ngay từ đầu, các cầu thủ Hàn Quốc sẽ gây sức ép lên các cầu thủ Việt Nam và thực tế diễn ra đúng như vậy. Trong khoảng gần 15 phút đầu tiên, các cầu thủ Việt Nam đã phải hết sức căng thẳng để chống đỡ các đợt tấn công liên tục của các cầu thủ Hàn Quốc, họ gần như không thể tổ chức tấn công.
Trong các trận đấu với các đối thủ có trình độ cao hơn, khoảng thời gian này luôn rất nguy hiểm. Các cầu thủ của đội yếu hơn sẽ rất dễ bị thua khi chưa kịp thích nghi với sức ép.
Không phải lúc nào cũng có thể được thi đấu với các đội bóng có trình độ cao hơn, có lối đá nhanh và hiện đại như đội Hàn Quốc để làm quen với sức ép họ tạo ra. Chính vì vậy trong 15 phút đầu tiên này mà không để thủng lưới là rất quan trọng. Sau thời gian đó, các cầu thủ Việt Nam dần thích nghi được với sức ép của các cầu thủ Hàn Quốc. Sức ép đó được tạo ra từ việc các cầu thủ Hàn Quốc dâng lên bắt người rất sát ngay trên phần sân đội Việt Nam.
Nó tuy giống với dạng sức ép mà các cầu thủ Việt Nam phải chịu đựng với các đội bóng trong khu vực tạo ra khi họ chơi pressing, nhưng có 1 sự khác biệt rất lớn, đó là tốc độ vào bóng của các cầu thủ Hàn Quốc rất nhanh. Nó luôn nhanh hơn 1 nhịp so với thói quen chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam, vốn được hình thành từ các giải đấu trong khu vực hay từ giải quốc nội Vleague. Chỉ cần không đá 1 chạm, nếu khống chế bóng không gọn, phải dùng nhịp thứ 2 để khống chế thì thường là các cầu thủ Hàn Quốc lấy được bóng sau đó. Cả hiệp 1, có rất ít các pha bóng các cầu thủ Việt Nam có thể cầm bóng phối hợp.
Trong các pha tranh chấp tay đôi, sức rướn của các cầu thủ Hàn Quốc cũng là ưu thế. Họ thường tới bóng trước, hoặc ở tư thế thuận lợi hơn so với các cầu thủ Việt Nam khi tranh chấp.
Các cầu thủ Việt Nam dần thích nghi với áp lực đó. Họ xử lý bóng nhanh hơn, chắc chắn hơn, đương nhiên hạn chế phối hợp nhỏ đưa bóng từ dưới lên. Tuy chưa tạo được thế trận ưu thế hơn nhưng có cảm giác các pha bóng của đội Hàn Quốc không còn quá đáng sợ như những phút đầu hiệp 1. Hàng phòng ngự Việt Nam chơi rất hay và đã giữ sạch lưới trong hiệp 1.
Hiệp 2, khác với hình dung của mọi người, đội U23 Việt Nam tổ chức tấn công chủ động, tạo ra được 1 thế trận khá khả quan. Nhưng chính trong lúc đó, các cầu thủ Hàn Quốc ghi bàn. Các cầu thủ Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh của mình, kiên trì thực hiện chiến thuật. Có 1 điều khá khó lý giải, đó là trong 1 trận đấu căng thẳng hơn nhiều về mặt vận động này, các cầu thủ U23 Việt Nam lại tỏ ra có sức bền tốt hơn hẳn trận đấu với Thái Lan trước đó. Có thể tình trạng thể lực của các cầu thủ Việt Nam trước trận gặp đội Thái Lan không được tốt, hoặc trong trận này, các cầu thủ đã phân phối sức tốt hơn.
Bước ngoặt của trận đấu đến từ thẻ vàng thứ 2 của 1 cầu thủ Hàn Quốc. Đội Việt Nam hơn người và đã có bàn gỡ hòa. Đây là 1 bàn thắng rất đẹp, cũng đến từ cánh trái, bởi cái chân trái của Tuấn Tài, bóng đi thấp ngang chấm phạt đền, và cũng giống như Văn Tùng ở trận gặp Thái Lan, cầu thủ Tiến Long chạy đà thoải mái, đá 1 quả mu lai má rất căng, bóng tung nóc lưới.
Xem các cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu, ta cảm nhận được khả năng thực hiện chiến thuật đề ra trong trận đấu của họ là rất tốt. Các vị trí chính thức và được thay người vào sân đều tự tin thể hiện tốt khả năng của mình. Vai trò của HLV Gong Oh-kyun là không phải bàn cãi, nhưng rõ ràng, có bột mới gột nên hồ. Nền tảng thể lực, thể hình, kỹ năng chơi bóng, từ kỹ thuật cá nhân đến ý thức chiến thuật của các cầu thủ trẻ Việt Nam là tốt. Đó là kết quả của hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam.
So với lứa những Quang Hải, Công Phượng …, lứa U23 này tuy chưa xuất hiện những cá nhân xuất sắc nhưng thế mạnh của lứa này là rất đồng đều. Với tình thế bảng này, cửa và tứ kết của U23 Việt Nam là rất lớn.