Tại phiên họp tổ sáng 6/6, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho biết, tổng chiều dài của đường Vành đai 4 là 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP.Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km). Với quy mô đầu tư như trên, dự án đường Vành đai 4 có diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha; kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.
"Đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài, quy mô bằng đường vành đai 3 TP.HCM, cộng thêm 30km đường sắt nhưng tổng kinh phí giải phóng mặt bằng sơ bộ chỉ khoảng 19.590 tỷ đồng, trong khi đường vành đai 3 chỉ 75km nhưng riêng giải phóng mặt bằng lên tới 41.000 tỷ đồng", ông Dũng thông tin. Đây cũng là lý do Hà Nội đề xuất làm đồng bộ đường vành đai và đường sắt, bởi nếu như không giải phóng mặt bằng đường sắt theo quy hoạch, "sau này dân cư nhảy vào sẽ rất khó" và sẽ rất tốn kém như vấn đề của dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Kinh phí thấp hơn, song Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng phải thừa nhận, khâu yếu nhất của chúng ta trong thời gian qua chính là giải phóng mặt bằng, bao giờ cũng chậm. Do đó, việc chia dự án thành phần là hoàn toàn đúng và giải phóng mặt bằng trên địa phương nào địa phương đó phải lo – theo Bí thư Thành ủy.
Hai là, từ khi có luật PPP đến hiện tại chưa có dự án nào thực hiện theo hình thức PPP. Vì vậy, làm thế nào để huy động được nguồn lực xã hội, vốn ngân sách là vốn mồi cũng là vấn đề được ông Dũng đặt ra.
Vấn đề thứ 3 liên quan đến việc Chính phủ đề xuất nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án..., theo Bí thư Thành ủy đề xuất của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế lại vận dụng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 02 năm (2022 - 2023).
"Báo cáo các đồng chí, 2 năm 2022 – 2023, bây giờ đồng ý về chủ trương thì coi như cũng hết năm 2022, tập trung giải phóng mặt bằng thì làm sao đến vật liệu. Trong khi đó, vật liệu công trình phải đi theo đời công trình. Ngay Nghị quyết 43 cũng đã là đánh đố, không thể nào Chính phủ chạy theo 2 năm 2022 – 2023 làm các dự án kích thích kinh tế theo chính sách tài khóa, tiền tệ này", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhấn mạnh rằng, đề xuất của Chính phủ theo đời dự án là phù hợp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý các đại biểu Quốc hội cần phải nhìn vào thực tế để có chính kiến khi góp ý vào dự án.
"Ủy ban thẩm tra là việc của Ủy ban, còn đại biểu Quốc hội có quyền của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, chúng ta vẫn cần có chính kiến. Mình đã có chủ trương, khâu quan trọng là tổ chức thực hiện, nhưng chính sách không tạo điều kiện để thực hiện thì bằng đánh đố Chính phủ. Chủ trương đúng, quyết sách đúng nhưng giải pháp không phù hợp thì làm sao mà làm được. Chưa nói trong quá trình tổ chức thực hiện còn rất nhiều vấn đề đi theo", Bí Thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Với Hà Nội, ông Dũng cho biết, Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan phải thiết kế sơ bộ nhanh, làm chính sách giải phóng mặt bằng, sau khi Quốc hội chủ trương xong Hà Nội sẽ cùng các địa phương phát động giải phóng mặt bằng ngay.
Đánh giá cao về 2 dự án Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM, đại biểu Nguyễn Minh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, ông thống nhất cơ bản với báo cáo Chính phủ song vẫn băn khoăn về vấn đề thu phí.
Đại biểu Trí nói, thời gian thu phí trong vòng 21 năm là "ngắn quá", điều này sẽ khiến cho nhà đầu tư sợ và không ai dám đầu tư. Đồng thời giá thu phí 1 lần xe đi qua lại cũng sẽ đắt hơn nhiều.
"Quan trọng trong làm đường là tiêu chí kĩ thuật, con đường phải đạt trong 100 năm. Trong vòng 100 năm này, nhà đầu tư đầu tư vào và thu hồi phí thường khoảng 30 năm. Với 30 năm, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và phí người dân gánh mỗi lần cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều", đại biểu Hà Nội cho hay.
Liên quan huy động vốn đầu tư cho các dự án này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương là cần thiết, bởi đây đều là các dự án kết nối vùng có tầm quan trọng cao, có tác động mạnh đến việc tạo ra các nguồn lực cho các khu vực liền kề.
Do đó, theo đại biểu, cần phải khai thác các nguồn lực đó để tạo ra nguồn vốn cho các tuyến đường này, và việc khai thác này sẽ thuộc trách nhiệm của các địa phương có tuyến đường đi qua để góp vào nguồn vốn đầu tư chung.
Đồng tình, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra rằng, theo cơ cấu tài chính và phương án nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 28.000 tỷ đồng, và địa phương cũng tương tự, trong khi BOT là 29.000 tỷ đồng.
Theo đại biểu Mai, có cấu này cơ bản là hài hòa, phát huy được 3 thế mạnh là trung ương, địa phương và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết vốn tại các địa phương còn khiến đại biểu Mai lo lắng. Bởi thực tế, hơn 10 năm qua có rất nhiều địa phương cam kết nhưng không thực hiện được vì rất nhiều lý do từ khách quan và chủ quan. Cam kết của các địa phương ảnh hưởng đến tiến độ chung.
"Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm trong việc bố trí vốn để các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm. Nếu địa phương không thực hiện nghiêm, lúc đó không phải là địa phương mà Chính phủ phải chịu trách nhiệm về cam kết", bà Mai đề xuất.