LTS: Trong bối cảnh giá thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giá phân bón tăng cao do phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, việc bà con nông dân áp dụng các mô hình sử dụng hiệu quả thuốc BVTV, tăng cường bón phân hữu cơ là cách giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, lại góp phần bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, chỉ từ một thay đổi nhỏ trong quy trình canh tác, nông dân vùng trồng lúa trọng điểm của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tiết kiệm được 500.000 - 700.000 đồng/ha.
Xã Bình Thành là một trong những địa phương có diện tích lúa khá lớn của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Từ cuối năm 2021, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng quá cao khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Dù giá lúa tương đối ổn định nhưng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng quá cao khiến lợi nhuận của nông dân bị "bào mòn".
Không những thế, do vẫn giữ thói quen canh tác cũ nên trong quá trình sản xuất một lượng lớn giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã bị bà con sử dụng một cách lãng phí không cần thiết.
"Vụ trước khi chưa tham gia dự án, chi phí sản xuất rơi vào khoảng 2 triệu đồng/ha nhưng sang vụ này chỉ còn khoảng 1,7 triệu đồng/ha, như vậy bà con tiết kiệm được tiền nhờ sử dụng thuốc BVTV đúng cách".
Ông Cao Thọ Trường
"Hồi nào tới giờ bà con sử dụng thuốc theo tập quán, có khi lúa không có bệnh nhưng vẫn phun theo định kỳ, 22, 35, 45 ngày sau gieo sạ, trước hoặc sau khi lúa trổ bông, thậm chí còn trộn các loại thuốc vào phun một lần cho… tiện khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Do giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên bà con chả có lãi mấy, thậm chí một số loại nông sản giá xuống thấp bà con còn lỗ nặng" - ông Cao Thọ Trường - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành nêu một thực tế.
Trong bối cảnh đó, nông dân xã Bình Thành đã được tiếp cận với Chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả năm 2022 do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thực hiện từ đầu năm 2022. Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) là một trong những đơn vị được chọn triển khai dự án.
Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ
Đó là cách nông dân xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vượt qua bão giá phân bón trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Long (ở ấp Tân Châu, xã Tân Mỹ) cho biết, anh em ông canh tác hơn 3ha cây ăn trái, chủ yếu là xoài, sầu riêng, bơ… Từ đầu năm đến nay, giá phân bón có loại tăng 200%, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất.
"Để tiết giảm chi phí, bà con ở đây bảo nhau chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hữu cơ. Trước chúng tôi dùng phân vô cơ là chủ yếu, giờ tăng lên 2 phần phân bón hữu cơ nên chi phí giảm đáng kể bởi phân hữu cơ giá chỉ hơn 200.000 đồng/bao trong khi phân vô cơ trên 1 triệu đồng/bao. Không những thế, bón phân hữu cơ, cây cũng mướt hơn, trái ngon hơn" - ông Long cho biết.
Trước đó, trả lời câu hỏi của nông dân về giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng quá cao, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Qua thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, tôi nhận thấy nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, đó cũng là cách giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất".
P.V
Để triển khai dự án này, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật xây dựng bộ tài liệu tập huấn về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả chung và trên các cây trồng chủ lực; tài liệu thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; pano áp phích, poster cho các mô hình và các quy trình phòng trừ sinh vật gây hại trên các cây trồng chủ lực (lúa, xoài, nhãn, hoa hồng, hoa cúc) cho các vùng trồng trọng điểm nhằm mục đích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Cao Thọ Trường cho biết, không ngờ chỉ một thay đổi nhỏ trong cách sử dụng thuốc BVTV mà hiệu quả mang lại lớn đến thế.
"Hợp tác xã có khoảng 1.000ha lúa, chúng tôi chọn triển khai dự án trong khoảng diện tích 240ha, giống lúa OM18. Ngay sau đó, chúng tôi được cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách); tổ chức đặt 15 bể chứa thu gom bao, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở bờ ruộng; tổ chức thu gom rác là các loại bao, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng" - ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, nông dân sau khi được tiếp cận dự án và các thông tin do ngành chức năng hướng dẫn đã có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
"Ngay từ khi gieo sạ, chúng tôi chủ động giảm bớt lượng giống gieo sạ, phun thuốc theo đúng quy trình, theo dõi tình hình dịch hại phát sinh trên cây lúa chặt chẽ, khi có dịch hại mới phun thuốc theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng, không tự ý phun như trước kia" - ông Trường nói.
Theo ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng tâm và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, do đó mục tiêu quan trọng của dự án đó là hỗ trợ nông dân tại tỉnh được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực một cách an toàn, hiệu quả; từ đó cải thiện thói quen sử dụng thuốc và làm nông một cách có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng mong muốn các hoạt động và mô hình về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khuôn khổ dự án sẽ đóng vai trò thí điểm để nhân rộng sang các tỉnh và địa phương lân cận, từ đó định hình vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.