Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra cách để đưa tốc độ truyền dữ liệu lên một tầm cao mới, phá vỡ kỷ lục hiện tại. Kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu đã được thiết lập bởi một nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia (NICT) ở Nhật Bản, với tốc độ 1,02 petabit/giây với khoảng cách 51,7 km, theo Science Alert.
Nói cách khác, nếu mỗi một tập phim trên Netflix nặng 500 Mb thì với tốc độ mới này, bạn có thể tải hơn 2 triệu tập phim trong 1 giây, một tốc độ đáng kinh ngạc.
Một trong những khía cạnh thú vị của kỷ lục tốc độ truyền dữ liệu mới này là nó sử dụng một mạng cáp quang giống như loại đang được dùng cho cơ sở hạ tầng internet bình thường. Các nhà nghiên cứu nói rằng, điều này sẽ giúp cho việc nâng cấp tốc độ truyền dữ liệu trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chỉ một năm trước, các nhà nghiên cứu của viện này đã đạt được tốc độ tối đa bằng khoảng một phần ba so với những gì họ làm được hiện nay. Tốc độ này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện tại.
Thí nghiệm đã kết hợp sử dụng loại sợi đa lõi (MCF) đường kính 0,125 mm và các kênh phân chia bước sóng (WDM) để giúp các tín hiệu có bước sóng khác nhau được gửi đồng thời.
Tổng cộng, có 801 kênh bước sóng song song được xếp vào cùng một đường truyền, mang lại tốc độ truyền dữ liệu đáng kinh ngạc.
Một cải tiến khác được áp dụng là sử dụng cáp quang bốn lõi thay vì một lõi tiêu chuẩn. Về cơ bản, nó giúp tăng gấp bốn lần các tuyến đường truyền dữ liệu trong khi vẫn giữ nguyên kích thước cáp quang tiêu chuẩn. Các nhà nghiên cứu cũng áp dụng nhiều công nghệ tối ưu hóa, tăng cường tín hiệu và giải mã khác.
Với việc 5G cũng đang tiếp tục được triển khai trên toàn thế giới, viễn cảnh về một tương lai nơi các thiết bị di động với kết nối internet tốc độ siêu cao đang ngày một rõ nét hơn.
"Ngoài 5G, lưu lượng dữ liệu từ các dịch vụ thông tin và truyền thông mới được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và do đó điều quan trọng là phải tìm ra cách các loại sợi mới có thể đáp ứng nhu cầu này”, theo thông cáo báo chí của NICT.
Nghiên cứu đã được trình bày vào tháng 5 tại Hội nghị Quốc tế về Laser và Điện quang (CLEO) 2022.