Dân Việt

Kỷ niệm 12 năm ra mắt Báo Điện tử Dân Việt: Thắp lên hi vọng sống cho nhiều mảnh đời

Hạ An 08/06/2022 08:00 GMT+7
"Từ khi nhận được món quà là sổ tiết kiệm từ các nhà hảo tâm, bà cháu có thêm chỗ dựa, bà sẽ không lo bị đuổi ra khỏi phòng trọ và tiền học phí cho các cháu nữa" – Bà Lê Thị Kỷ (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Kỷ niệm 12 năm ra mắt Báo Điện tử Dân Việt: Thắp lên hi vọng sống cho nhiều mảnh đời - Ảnh 1.

Báo Điện tử Dân Việt phát động kêu gọi ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn tại Hội Báo toàn quốc năm 2022 và sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022. Ảnh: BY

 

Long đong những phận đời

Cuối tháng 8/2021, Hà Nội căng mình chống dịch Covid-19 với những Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Việc hạn chế đi lại khiến cho lao động nghèo, sinh viên "lao đao" vì mắc kẹt tại Hà Nội. Bốn bà cháu bà Kỷ cũng vậy.

Trong một căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phường Xuân Phương, một mình bà phải gánh gồng nuôi 3 cháu nhỏ. Vào thời điểm đó, đứa cháu đầu của bà vừa học xong lớp 9, đứa thứ 2 sắp lên lớp 3 và đứa nhỏ nhất mới chỉ 5 tuổi.

Cuộc sống của 4 bà cháu dựa vào những cân giấy, cân sắt, hộp nhựa, vỏ chai... mà bà nhặt được hay người khác thương tình góp cho.

Kỷ niệm 12 năm ra mắt Báo Điện tử Dân Việt: Thắp lên hi vọng sống cho nhiều mảnh đời - Ảnh 1.

Bà Kỷ và những đứa cháu thơ trong căn phòng trò chật hẹp. Ảnh chụp tháng 8/2021. Ảnh: Bảo Yến

Cứ khoảng tầm 10 giờ đêm khi những đứa cháu đã ngủ, bà Kỷ xách bao tải đi khắp con đường, tìm nơi tập kết rác để tìm phế thải. Ngày may mắn nhặt được nhiều chai nhựa, nhanh đầy bao bà sẽ về sớm, còn không có khi đến 1-2 giờ sáng. Sau vài ngày hay một tuần, khi gom được kha khá chai nhựa, vỏ lon, giấy bà lại bán. Mỗi lần bán bà cũng được năm, bảy chục ngàn để mua gạo.

Thế nhưng, vì dịch bệnh, bà không thể tiếp tục đi gom nhặt phế liệu. Bà cháu phải nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng nơi phòng trọ và những phần quà cứu trợ của các nhà hảo tâm. Cuộc sống của 4 bà cháu rơi vào bế tắc.

Trước đó, thông tin về gia cảnh em Đinh Hồng Ánh trú tại xóm Nam, xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cũng khiến nhiều người xót xa.

Năm 2019, mẹ của Ánh - chị Phạm Thị Kim Hoàn phát hiện bệnh tim. Biến cố ập đến khi chị Hoàn nhập viện với trạng thái chết lâm sàng, gãy xương sườn, xương quai xanh, cơ thể bầm dập do bị ngã.

Để có tiền trang trải viện phí, thuốc thang, tiền phẫu thuật cho chị Hoàn, những gì vợ chồng chị tích góp được bao lâu nay từ đồ đạc đến vật nuôi được đều phải bán đi. Sống cùng với gia đình anh chị còn có 2 bố mẹ già đã ngoài tuổi 80.

uoc-mo-cua-co-be-di-gom-rac-kiem-tien-hoc-do-me-anh-2-1558164198-width650height366.jpg

Sau các buổi học, em Ánh gom rác kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ. Ảnh chụp tháng 5/2019. Ảnh: Bảo Yến

Kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai của anh Châu – bố Ánh với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Trong khi, số tiền thuốc cho chị Hoàn đã mất từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, chưa kể những lúc chị bị đau yếu nặng khiến chi phí điều trị lên tới 4-5 triệu đồng/tháng, vượt cả mức lương hàng tháng của anh.

Thời điểm đó, anh Châu phải chạy vạy vay mượn thêm để lo tiền thuốc cho vợ. Thêm đó, tiền học hành cho con cái, tiền lo cho bố mẹ già khi đau yếu khiến gia đình lâm vào bế tắc, túng quẫn. Ánh và những chị em của em đứng trước nguy cơ phải nghỉ học.

Gieo hi vọng sống

Sau những thông tin được phản ánh trên Báo Điện tử Dân Việt, nhiều nhà hảo tâm đã chia sẻ với những khó khăn của bà Kỷ và gia đình Ánh.

Ngày13/9/2021, bạn đọc Báo Dân Việt đã trực tiếp trao tận tay số tiền 20 triệu đồng, 1 bộ máy tính và phần quà gồm gạo, mì tôm, trứng cho bà Lê Thị Kỷ trú tại phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Trường Sinh – Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, số tiền này đã được gửi vào một sổ tiết kiệm cho bà và các cháu dự phòng khi ốm đau.

base64-16315339785251129020594.png

Ngày 13/9/2021, đoàn từ thiện dành tặng bà Kỷ sổ tiết kiệm 20 triệu đồng, 1 bộ máy tính và các phần quà. Ảnh: Bảo Yến

Bà Kỷ cho biết, sau khi bài báo được đăng tải nhiều bạn đọc và những người thân của bà biết thêm hoàn cảnh của 4 bà cháu nên có những sự hỗ trợ gửi về trực tiếp. Giờ đây, bà cháu đã chuyển đến một phòng trọ mới rộng rãi, thoáng đãng hơn và tiền phòng trọ cũng được hỗ trợ hơn một nửa. Có được một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ với bà Kỷ là một động lực, chỗ dựa để bà tiếp tục nuôi dạy các cháu.

"Bà khỏe hẳn ra, nhẹ cả người. Các cháu đi học bà không lo khoản tiền bị giục nữa" – bà Kỷ vui vẻ nói.

Còn với gia đình Ánh đã nhận được khoản tiền hỗ trợ hơn 20 triệu đồng (chia làm 2 đợt) từ bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt trao tặng. "Số tiền lúc đó đã giúp chúng tôi ổn định được cuộc sống, lo cho các con tiếp tục được đi học và lo được thuốc thang cho vợ. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn nhà hảo tâm đã giúp đỡ để gia đình tôi có thể vượt qua tháng ngày túng quẫn ấy" – Anh Châu xúc động nói.

anh-2-16518457130491961405725-1651930091409427889767.jpeg

Đại diện Báo Điện tử Dân Việt trao 10.000.000 đồng số tiền bạn đọc ủng hộ đợt 2 cho em Đinh Ngọc Ánh. Ảnh: Lan Anh

Đó là hai trong số hàng ngàn hoàn cảnh được Báo Điện tử Dân Việt hỗ trợ kêu gọi và kết nối với các nhà hảo tâm trong suốt 12 năm qua. Mỗi sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi của bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt đang thắp lên những tia sáng hi vọng cho nhiều mảnh đời khó khăn.