Clip: Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), với câu chuyện "rắn thần" kỳ bí.
Ngôi đền thiêng nơi vựa lúa của Nghệ An
Theo sử sách ghi lại đền Đức Hoàng thờ tướng Hoàng Tá Thốn tự Hoàng Minh, hiệu Tô Đại Liêu, quê làng Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Văn bia và phả tộc họ Hoàng (ở Vạn Tràng) ghi chép: Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm Giáp Dần (1254) vào đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời niên thiếu, ông có sức khỏe phi thường, giỏi võ và đặc biệt tài bơi lội.
Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, ông được sung vào đội thủy binh thiện chiến của nhà Trần, được Hưng Đạo Đại Vương chiêu làm nội thư gia, giúp việc binh thư dưới trướng. Ông đã có nhiều công lao trong đánh giặc ngoại xâm, lừng lẫy nhất là cuộc chiến trước sông Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288.
Ông được cấp ấn phủ, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền, dùng chiến thuật đục thuyền địch nên quân Nguyên bị đại bại, tướng giặc Thoát Hoan phải chạy về nước, ô Mã Nhi bị bắt sống. Sau chiến công lẫy lừng đó, vua Trần Nhân Tông sắc phong là "Sát hải đại vương".
Sau khi quân Nguyên Mông rút về nước, ông tiếp tục thống lĩnh các đạo thủy quân trấn giữ 12 cửa biển. Trong một lần đi tuần ven biển, ông ngã bệnh và qua đời vào đúng ngày mùng một Tết Nguyên đán tại Cửa Trào, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay, triều đình đã đưa thi hài của ngài về an táng tại quê nhà.
Sử liệu còn ghi chép lại, ông không những là người có tài thao lược trong đánh giặc mà còn có công lớn trong việc chiêu binh, mở đất, lập làng nên được nhân dân nhiều địa phương tôn ông làm Thành Hoàng. Tại đền Đức Hoàng ngoài thờ ông là Thành Hoàng còn phối thờ thần rắn, Bạch Y công chúa và Mẫu Liễu Hạnh.
Đền Đức Hoàng có quy mô kiến trúc không lớn nhưng lại mang vẻ cổ kính, linh thiêng. Nơi đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Lễ hội đền Đức Hoàng được tổ chức hàng năm vào ngày 30-1/ 1-2 (âm lịch) thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới thăm viếng. Với những giá trị lịch sử văn hóa, năm 2000, Đền Đức Hoàng Nhà nước công nhận là Công trình di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Câu chuyện "ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác"
Tích dân gian nơi đây tương truyền, một lần nọ, gặp trời mưa to nước ngoài đồng ruộng trên chảy xuống ruộng giới, hai vợ chồng ra đồng cùng hai đứa con của mình. Trong lúc xới đất không may người cha chắn đứt đuôi con rắn anh đang chơi đùa trong nước ở gần đó. Bị đau quá không chơi đùa được nữa, hai anh em rắn đùng đùng nổi giận kéo nhau về nhà.
Khi về đến nhà, hai con rắn đứng hai bên cửa ra vào, khi người cha vừa đến nơi, hai con rắn đứng dựng lên, nghển cổ cao đầu bổ ra định xông vào cắn ông. Linh tính biết trước chuyện này, ông đã quỳ sụp xuống chắp hai tay lạy và khấn vái van xin.
Sau đó, hai anh em rắn hạ cơn thịnh nộ và cùng nhau bỏ đi theo hai hướng. Rắn anh (rắn cụt) đi theo bàu Canh. Rắn em đi đến bàu Ác thuộc làng Diệu Ốc, xã Phúc Thành ngày nay.
Rắn cụt đi theo hướng Bàu Canh đến một vùng đất cao ráo, phong cảnh hữu tình trên bờ bàu Canh để lại 3 giọt máu. Hai vợ chồng và dân làng đã đi tìm khi đến đây thấy vậy thì lập đến thờ và nhân dân trong vùng gọi là đền Canh (đền Hạ).
Rồi rắn tiếp tục đi lên ngàn Thượng (thuộc vùng đất Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu ngày nay) thì kiệt sức, mệt quá không đi được nữa và đành nằm lại và tạ thế tại đây. Nơi đây về sau nổi lên một ngôi mộ to đẹp, người dân ở đây đã lập nên đền Thượng như ngay nay. Hàng năm, đến ngày 20-2 AL hàng năm được cho là ngày giỗ và tổ chức rước từ đền Thượng về đền Canh để làm lễ.
Riêng người em, khi chia tay anh đã đi về hướng bàu Ác, làng Diệu Ốc, xã Đại Trung (nay là xã Phúc Thành) và tạ thế tại đây. Nhân dân trong vùng đã xây dựng lên ngôi đền thờ ngài và gọi là đền Đức Hoàng.
Sau này người ta đã tôn tạo hai ngôi đền và hàng năm tế lễ, hương khói để xin các ngài phù hộ tai qua nạn khỏi. Ngay nay người ta quen gọi là "rắn cụt bàu Canh, rắn lành bàu Ác" để chỉ về câu chuyện ly kỳ về hai anh em "rắn thần" này.
Nói về hai vợ chồng đi tìm con, hai ông bà đã cơm đùm cơm gói vượt đại ngàn đi tìm. Hai vợ chồng đi hai hướng, nhưng do tuổi cao sức yếu, hai ông bà đã tạ thế trong rừng sâu. Hiện nay, người ta gọi khu rừng nơi ông tạ thế là "Ngàn nhà ông" còn khu rừng bà vợ tạ thế là "Ngàn nhà bà".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Văn Quảng – Tổ trưởng Ban quản lý Di tích đền Đức Hoàng, cho biết: "Đền Đức Hoàng nằm trên địa bàn xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn (võ tướng thời Trần), Phò tá cho Trần Quốc Tuấn, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông năm 1288. Ngày xưa, đền được xây dựng 3 gian nhà tranh, nhưng sự linh thiêng của đền, tín ngưỡng của nhân dân, qua nhiều đời, được sự đóng góp tiền bạc của dân, đã tôn tạo lại đền Đức Hoàng.
Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành là một trong những di sản văn hóa quý của tỉnh Nghệ An, được coi là miền "đắc địa" nơi quần sơn, tụ thủy, tích đức, sinh tà. Đền Đức Hoàng gắn với sự tích về rắn thần với tên gọi chuyện "ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác".
Hiện nay, đền Đức Hoàng dần được tôn tạo tương đối khang trang, có hàng nghìn người khắp mọi miền đất nước đến dâng lễ, cầu yên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi. Đền còn có kho thuốc truyền đời từ xưa đến nay, rất linh nghiệm, hàng ngày đón rất nhiều lượt khách tới.