Giải thưởng ghi nhận 10 phát minh có thể kiến tạo nên các dòng sản phẩm mới, thương mại hóa các sản phẩm hiện hữu, hoặc tạo ra giá trị to lớn cho các doanh nghiệp lẫn ngành công nghiệp.
Các sáng chế được vinh danh dịp này đa dạng từ mạng thần kinh nhân tạo Adder giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng và diện tích mạch, cho đến "mống mắt quang học" đột phá chưa từng có cung cấp mã định danh duy nhất cho các sợi quang. Chúng được thiết kế để giúp các nhà mạng quản lý tài nguyên mạng, giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc triển khai băng thông rộng.
Loạt phát minh được công bố trong bối cảnh quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo hộ và chia sẻ của Huawei có vai trò ngày càng quan trọng đối với hệ sinh thái công nghệ. Giám đốc Pháp chế, Ông Song Liuping của Huawei nhấn mạnh: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là chìa khóa để bảo hộ cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo. Chúng tôi mong muốn được cấp bằng sở hữu cho các sáng chế và công nghệ của mình, từ đó chia sẻ rộng rãi những đổi mới sáng tạo này với thế giới. Điều này sẽ giúp mở rộng triển vọng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành phát triển và tăng cường công nghệ cho mọi người".
Ông Tian Lipu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ Quốc tế tại Trung Quốc cũng nhấn mạnh cam kết: "Huawei sẽ liên tục đổi mới và không ngừng giới thiệu đến thế giới những bằng sở hữu trí tuệ có giá trị đến từ Trung Quốc".
Tính đến cuối năm 2021, Huawei đã nắm giữ hơn 110.000 bằng sáng chế thuộc hơn 45.000 nhóm phát minh. Hiện, Huawei sở hữu nhiều bằng sáng chế được cấp hơn bất kỳ công ty Trung Quốc nào, nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế nhất cho Văn phòng Bằng sáng chế EU và xếp thứ 05 về số lượng bằng sáng chế mới được cấp tại Hoa Kỳ. Suốt 05 năm liên tiếp, Huawei đứng số 1 toàn cầu về số lượng đơn đăng ký Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế.
Ông Alan Fan, Trưởng Bộ phận Quyền Sở hữu Trí tuệ của Huawei cho biết giá trị các bằng sáng chế này đã được công nhận rộng rãi trong ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ di động, kết nối mạng Wi-Fi và mã hóa âm thanh lẫn video.
"Trong 05 năm qua, hơn 02 tỷ điện thoại thông minh đã sử dụng sáng chế 4G/5G của Huawei. Đối với ôtô, có khoảng 08 triệu phương tiện kết nối sử dụng sáng chế của Huawei đã và đang được chuyển đến tận tay người tiêu dùng mỗi năm", Ông Alan Fan cho hay.
Huawei cũng đang làm việc tích cực với các công ty quản lý bằng sáng chế để cung cấp quy trình cấp giấy phép "một cửa" cho các tiêu chuẩn chính thống.
"Hơn 260 công ty - chiếm một tỷ thiết bị - đã sử dụng bằng sáng chế mã hóa video hiệu quả cao (HEVC) của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa các sáng chế", ông Alan Fan nói. Ông cho biết thêm, công ty đang thảo luận để thiết lập thêm mô hình sáng chế mới nhằm cung cấp cho các đối tác trong ngành "quyền truy cập nhanh" vào loạt phát minh về thiết bị Wi-Fi của Huawei trên toàn cầu.
Huawei cũng đang thảo luận với các chuyên gia cấp phép và nhà phát minh đầu ngành khác về các chương trình cấp phép chung cho các bằng sáng chế 5G.
Ông Liu Hua, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tại Trung Quốc đánh giá cao các nỗ lực đổi mới sáng tạo bền vững của Huawei: "Chúng tôi mong muốn Huawei tiếp tục tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu cấp cao lấy đổi mới sáng tạo làm năng lực cốt lõi".
Cựu Phó Chủ tịch Văn phòng Sáng chế Châu Âu Manuel Desantes nhấn mạnh thêm, trước cơn bão đổi mới khắp thế giới ngày nay, điều quan trọng nhất không còn nằm ở số lượng bằng sáng chế hoặc phát minh nhiều hay ít. "Hệ thống sở hữu trí tuệ phải đảm bảo rằng những sáng chế đó xứng đáng được bảo hộ, mang lại giá trị thực tiễn cao", ông nói.
Công bố sáng chế mới của Huawei đánh dấu lần thứ ba tập đoàn tổ chức các sự kiện về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Hàng năm, Huawei đều đầu tư hơn 10% doanh thu vào R&D, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng đầu tư R&D trong lĩnh vực công nghiệp của Châu Âu năm 2021. Tính riêng năm ngoái, công ty đã tăng đầu tư cho R&D lên 21,2 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng doanh thu. Tính gộp cả thập kỷ qua, tổng đầu tư cho R&D của Huawei đã vượt 126,6 tỷ USD.