Nhân sâm là một trong những loại thảo mộc phổ biến nhất trên thế giới nhưng chúng có rất nhiều loại.
Trung bình một củ nhân sâm mọc tự nhiên ở Hàn Quốc có giá hàng nghìn đô, tùy vào độ tuổi.
Trên thực tế, nhân sâm mọc trong tự nhiên vốn được xem là rất hiếm gặp. Nó được bán với giá hàng chục nghìn đô (khoảng vài trăm triệu đồng).
Hong Daesik là thợ đào nhân sâm đã có nhiều năm kinh nghiệm. Trong suốt 28 năm qua, ông đã trồng và thu hoạch nhân sâm rừng mọc hoang dã ở vùng núi xung quanh Suncheon, Hàn Quốc.
Ông Daesik cho biết, nhân sâm rừng có giá khoảng 17.000$ (hơn 380 triệu đồng/củ) nhưng hầu hết các loại nhân sâm khác không được bán với mức giá như thế.
Ở nơi ông Deasik sinh sống, nhân sâm rừng từng mọc ở đây nhưng nhu cầu về loại thảo mộc này tăng cao đã dẫn đến tình trạng khai thác quá mức khiến nó ngày càng quý hiếm. Đó là lý do tại sao nhiều người chuyên "săn" nhân sâm rừng đã chuyển sang tự trồng loại củ này với chi phí thấp hơn.
Để trồng và thu hoạch nhân sâm, ông Deasik chỉ cần gieo hạt với quy trình không quá phức tạp. Nhưng trên thực tế, 90% cây trồng này thường không sống được. Suốt gần 30 năm trồng nhân sâm, ông đếm được có 100 cây phát triển nhưng chỉ 10 cây sống được.
Điều này là do cây nhân sâm cần nhiều bóng râm và nhạy cảm với nhiệt độ cao, không khí ẩm và sâu bệnh. Khi mọc trong rừng, nhân sâm cũng bị các loài động vật ăn mất.
Được biết, nhân sâm trồng khoảng 8 năm mới cho thu hoạch và việc thu hoạch đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng hết mức. Ông Deasik phải đào xung quanh gốc nhân sâm thật cẩn thận để không làm hỏng hay xây xát bất kỳ phần nào của nó.
Thông thường, nhân sâm trồng 8 năm thì có giá bán gần 2 triệu đồng nhưng củ 10 năm thì giá gấp đôi hoặc gấp ba. Riêng nhân sâm già, mọc tự nhiên trong rừng có giá đắt đỏ gấp bội vì rễ của nó có nồng độ ginsenosides cao hơn.
Nhân sâm được cho là mang lại lợi ích về mặt y học như giảm đau, cải thiện sự tập trung,... Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về tác dụng thực sự của loại thảo mộc này.
Sau khi thu hoạch, nhân sâm dễ bị hỏng ở nhiệt độ phòng nên thường được tiêu thụ ngay khi còn tươi bằng cách pha trà hoặc ngâm rượu. Do hạn sử dụng ngắn nên phần lớn các sản phẩm nhân sâm được bán trong cửa hàng thường có dạng lỏng hoặc khô, bột.
Từ năm 2011, nhân sâm rừng được liệt vào danh sách "lâm sản đặc biệt" ở Hàn Quốc. Các loại nhân sâm đều phải vượt qua các đợt kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc. Bởi những lý do trên mà nhân sâm rừng có giá đắt đỏ, lên tới hàng trăm triệu đồng vẫn "hút" khách tìm mua.