Dân Việt

Sản vật rừng U Minh Thượng ở Kiên Giang là cá đồng, mật ong, nông dân còn được trả khoản tiền gì?

Lê Sen 09/06/2022 18:46 GMT+7
Nhắc đến vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), thì ai cũng biết có nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng, như rùa, rắn, cá đồng…, nhất là mật ong và cá đồng ở miệt rừng tràm này thì nhiều vô kể.

Trước đây, muốn ăn ong hay bắt cá đồng, người dân vào những đám sậy hoặc rừng tràm đi tìm một lúc là có, nhưng dần ít đi, nên người dân phải làm cây gác kèo để cho ong về làm tổ, còn nguồn cá đồng thì chủ yếu cũng ở trong các rừng tràm giờ mới còn.

Sản vật rừng U Minh Thượng ở Kiên Giang là cá đồng, mật ong, nông dân còn được trả khoản tiền gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hùng Em, nhân viên Ðội quản lý bảo vệ rừng Tiếu khu 33 An Minh, xã Khánh Vân Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch mật ong rừng.

Về Tiểu khu 33 thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, gặp người dân ở đây ai ai cũng đều phấn khởi bởi nhờ rừng tràm mà họ đã dần vươn lên thoát nghèo. Ngoài việc tham gia đăng ký giữ rừng, các hộ dân ở đây được tận dụng rừng tràm để gác kèo ong mật, đặt lọp, đặt dớn, giăng lưới… bắt cá đồng phát triển kinh tế gia đình.

Ông Huỳnh Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây, cho biết, toàn xã có 4.245ha, trong đó có 1.380ha rừng phòng hộ, còn lại chủ yếu là đất nuôi tôm, cua và trồng lúa. Trước đây, xã ven biển Vân Khánh Tây cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng triều cường nước biển dâng, gặp mùa mưa bão vỡ đê, nước tràn vào làm hư hại hoa màu, diện tích nuôi trồng của bà con. Vì vậy, có thời điểm toàn xã hộ nghèo chiếm đến 22%.

Từ khi diện tích rừng phòng hộ được giao về Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trực tiếp là Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang quản lý sử dụng cho mục đích trồng cây lấy gỗ thì cuộc sống người dân nơi đây dần đổi thay. 

Theo đó, tất cả diện tích 1.380ha trên địa bàn được Công ty này ký hợp đồng với người dân địa phương để tham gia bảo vệ và được săn bắt cá đồng và gác kèo ong để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy đến nay, toàn xã Vân Khánh Tây hộ nghèo giảm còn 60 hộ nghèo trong tổng số 1.380 hộ.

Ông Huỳnh Công Văn, Ðội phó Ðội Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 33 An Minh, cho biết, từ năm 2014, có gần 100 hộ dân thuộc bốn ấp sinh sống ven rừng là Cây Gõ, Kim Quy A1, Kim Quy A2 và Kinh Năm Ðất Sét tham gia vào Ðội quản lý bảo vệ rừng. 

Các hộ này thuộc các đối tượng không đất và ít đất sản xuất hoặc hộ khó khăn. Khi tham gia vào đội được chia ra bốn tổ sản xuất để vừa trực bảo vệ rừng, vừa tham gia đánh bắt cá, gác kèo ong theo từng khu vực. 

Từ đây, diện tích rừng vừa được đảm bảo không bị chặt phá hay cháy, các thành viên trong đội thì có thu nhập từ rừng và lương khoán hợp đồng lao động hằng tháng.

Ông Trần Văn Hùng, Bí thư Chi bộ - Trưởng ấp Kim Quy A1, cho biết, trước đây khi những hộ dân chưa tham gia vào đội bảo vệ rừng thì cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số 351 hộ của ấp có 45 hộ nghèo, đến nay nhờ tham gia vào Ðội quản lý bảo vệ rừng, có thu nhập từ nguồn cá đồng, gác kèo ong nên cuộc sống người dân đã thay đổi, giờ chỉ còn 11 hộ nghèo trên địa bàn.

Theo ông Hùng, các hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng trước đây đều khó khăn, giờ chẳng những thoát nghèo mà vươn lên khá. Ðiển hình như các hộ gia đình ông Huỳnh Thanh Hận, Mai Văn Nhị, Danh Thiệt… Mỗi năm trung bình cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Ông Trần Văn Bình, nhân viên Ðội quản lý bảo vệ rừng ở đây cho biết, được chính quyền địa phương quan tâm giới thiệu cho xin vào làm từ năm 2017. Trước đây cuộc sống khó khăn do ruộng đất ít, từ khi vào đội quản lý bảo vệ rừng cuộc sống bắt đầu đổi thay. 

Ngoài việc hằng tháng được nhận gần 4 triệu đồng từ nhận khoán hợp đồng bảo vệ rừng, hằng ngày có thêm trung bình khoảng 200.000 đồng từ nguồn cá đồng, ngoài ra còn thêm nghề gác kèo ong lấy mật. Trung bình một năm cho tổng thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hùng Em, nhân viên Ðội quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 33 An Minh, trong bộ đồ bảo hộ, phần mặt được trùm kín hết bằng lưới bao quanh, tay bê thao đựng tàng ong và mật ong từ trong rừng ra. 

Ông Hùng Em cho biết, tới mùa mưa nên tranh thủ còn mấy kèo ong lấy hết để bán rồi tiếp tục gác mới cho đàn ong về làm tổ. Trước đây, chỉ tính riêng thu nhập từ mật ong mỗi năm trung bình khoảng 80 triệu đồng, giờ bắt đầu ít dần, nhưng cũng cho ông Em thu nhập mỗi năm khoảng 30-40 triệu đồng.

Theo các anh em trong Ðội quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 33 An Minh, xã Khánh Vân Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) nghề gác kèo ong lấy mật tương đối dễ mà có thu nhập ổn định nên hầu hết anh em ở đây biết làm nghề này. Nghề gác kèo ong không làm giàu, nhưng ngoài việc có thu nhập, còn là thú đam mê, hơn hết để giữ nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người dân vùng U Minh Thượng.