Trong một thông báo được đưa ra trên mạng xã hội Facebook hôm 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov cho biết quân đội nước này đã bắt đầu được trang bị và triển khai các tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon do phương Tây viện trợ.
Số tên lửa này, cùng với các tên lửa Neptune có sẵn trong biên chế, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phòng thủ bờ biển của Ukraine, nhất là khi Hải quân Nga đang tập trung phong tỏa các cảng của Ukraine tại Biển Đen, qua đó làm ách tắc nghiêm trọng con đường xuất khẩu của hàng hóa nước này.
Trong thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã đưa ra những lời cảnh báo nhằm vào Hải quân Nga. Ông viết: "Lực lượng phòng thủ bờ biển Ukraine đã được tăng cường sức mạnh bằng các hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon cực kỳ hiệu quả. Cùng với tên lửa Neptune, các tên lửa Harpoon sẽ buộc hạm đội đối phương giữ khoảng cách xa để tránh chịu chung số phận với soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen".
Hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về việc Đan Mạch đã cam kết sẽ viện trợ các tên lửa chống hạm Harpoon và bệ phóng cho Ukraine. Loại vũ khí được Mỹ sản xuất này được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể khả năng tấn công của quân đội Ukraine và giúp nước này giành lại quyền kiểm soát Biển Đen.
Tên lửa Harpoon là một loại tên lửa chống hạm hiện đại do tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing chế tạo. Với tốc độ cận âm, khả năng hoạt động trong mọi thời tiết và được dẫn đường bằng cả hệ thống định vị toàn cầu và ảnh hồng ngoại, đây được cho là một trong các loại tên lửa chống hạm hiệu quả và đáng sợ nhất trong biên chế Hải quân Mỹ.
Trước đó, vào ngày 14/4, soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bất ngờ bốc cháy ngoài khơi cách thành phố cảng Odessa của Ukraine khoảng 90 km. Moscow tuyên bố hỏa hoạn là do một vụ nổ kho đạn trên boong khiến con tàu hư hại nặng và bị đắm khi được lai dắt về cảng. Tuy nhiên, phía Ukraine khẳng định đã bắn cháy con tàu bằng hai tên lửa hành trình Neptune.
Để đề phòng cho tình huống bị tên lửa hành trình chống hạm của Ukraine tấn công, trong thời gian gần đây, giới quan sát đã ghi nhận được việc các hệ thống tên lửa đất đối không Tor đã được lắp lên sàn các tàu hộ tống của Hạm đội Biển Đen.
Với khả năng mang tới 16 tên lửa với tầm bắn 15km, hệ thống Tor được cho là rất phù hợp trong việc chống lại các máy bay không người lái (UAV) tấn công, tên lửa chống hạm, thậm chí là cả trực thăng và máy bay chiến đấu của đối phương.