Lao động di cư bán hàng rong, mỗi tháng kiếm 1 tới 2 chỉ vàng. Video: Nguyệt Tạ
Với thâm niên 40 năm làm nghề bán hàng rong, bà Nguyễn Thị Tuyết 60 tuổi (Hà Tây, Hà Nội) trở thành lao động có thâm niên nhất trong nghề ở khu phố cổ Hà Nội.
Mặt hàng được bà Tuyết lựa chọn bán là khoai lang và lạc luộc. Thi thoảng bán thêm ngô và sắn. Trung bình mỗi ngày bà bán được 20-30kg hàng. Tính ra một lạng khoai luộc có giá 4.000 đồng, lạng lạc có giá 5.000 đồng. Thường khách mua hàng, tối thiểu phải 20.000 đồng/1 đơn bà Tuyết mới bán, riêng khách quen thì mua 5-10.000 đồng bà vẫn bán.
Không giống với những ngành nghề khác, càng làm càng lên lão làng, công việc bán hàng rong của bà Tuyết càng làm càng mệt, thu nhập càng thấp. Bà Tuyết tâm sự: "Giờ già sức khỏe yếu, đi ngày được ngày không nên thu nhập giảm. Đó là chưa kể giờ phường cấm bán hàng rong, nên cứ vừa bán vừa chạy, ít khi được ngồi mỗi chỗ".
Cũng bởi lẽ đó, mà bà quẩy quang gánh đi cả ngày không dám ngồi một chỗ. Mắt lúc nào cũng quan sát, la liếm đề phòng có nhân viên an ninh, hay công an phường để còn chạy.
"So với chục năm trước khi nghề bán hàng rong chưa bị cấm thu nhập giờ giảm nhiều lắm. Cách đây chục năm tôi còn kiếm được chục triệu đồng/tháng, còn giờ tháng được 5-6 triệu đồng, tháng nào cao lắm thì được 7-8 triệu đồng". bà Tuyết nói.
Nhờ công việc bán hàng rong mà bà Tuyết nuôi được 3 con ăn học thành tài, 2 con đầu đã ra đi làm, còn mỗi cô út đang đi học.
Bà Tuyết tâm sự: "Nhiều lúc cũng muốn nghỉ làm nhưng ở nhà lại buồn, đi làm cho vui cũng là có thêm đồng ra tiền vào".
Hiện giờ bà đang ở cùng 3 người phụ nữ di cư cùng quê ra Hà Nội làm. Tiền thuê trọ mỗi tháng chia nhau hết 600 nghìn đồng/tháng, ăn uống có gì ăn đó. Tháng hết 3-400 nghìn là nhiều. Trừ hết chi phí bà tính toán cũng dư được 4-5 triệu đồng.
Bán hàng rong, công việc nhẹ, thu nhập cao hơn công nhân
Sau chừng 3 tiếng quẩy gánh chạy khắp phố cổ, 10 giờ trưa chị Lê Thị Thúy, 45 tuổi (Phú Thọ) dừng chân, ngồi bệt một góc trên vỉa hè của phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dù lính mới, nhưng vì trẻ, khỏe nên chị chạy khắp phố phường nên thu nhập cũng khá. Có những ngày chị đi bộ tới 15 -20 km, chỉ thi thoảng nắng, mưa mới dám bám ở vỉa hè, ngồi bán cho khách qua lại.
Chị Thúy kể, mấy năm trước chị làm công nhân ở khu công nghiệp TP Việt Trì, tuy nhiên thu nhập thấp, tháng được 3-4 triệu đồng, công việc lại vất vả, bó buộc nên chị bỏ việc. Tính đi tìm công việc mới thì dịch Covid-19 ập tới vậy là thất nghiệp hơn 2 năm.
Chị mới gia nhập đội quân bán hàng rong ở phố cổ được 5-6 tháng nhưng thu nhập tương đối cao, có tháng kiếm được 1- 2 chỉ vàng. Chị Thúy kể: "So với công việc làm công nhân thì công việc này tự do hơn, đôi lúc cũng vất vả vì phải đi lại nhiều nhưng được cái thu nhập khá. Có tháng được 7-8 triệu đồng, có tháng được gấp đôi".
Theo lời chị Thúy, công việc này đơn giản nhưng phải nhanh nhẹn, hoạt bát, biết cách chào mời khách. Hơn nữa cũng phải biết cách đi nhặt đồ. Vì bán ít nên hàng phải ngon, đắt chút khách vẫn thích vì họ không mua nhiều. Thường khách mua ăn chơi, nên 20-30 nghìn thì hầu như ai cũng có thể mua được.
"Hiện giờ tôi ở trọ cùng 2 chị em cùng quê, mỗi tháng trả tiền nhà chỉ hết 6-700 nghìn đồng thôi, thêm tiền ăn nữa hết khoảng hơn 1 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng cũng tiết kiệm được tầm 7-8 triệu đồng gửi về quê cho chồng con", chị Thúy kể.
Công việc ngỡ như đơn giản, nhưng nhiều lúc gặp dân phòng hoặc nhân viên an ninh chị chạy "té khói". Chị bảo: "Ngồi nghỉ tí thôi chứ lát có công an đi là chạy bạt mạng giờ đấy. Mấy lần chị cũng bị bắt lên phường rồi. Mỗi lần bị phạt 150 nghìn đồng ấy. Bị phạt là mất luôn một ngày công, buồn lắm".
Điều mà những lao động bán hàng rong như chị mong muốn nhất chính là chính quyền sớm có những chính sách "mở" hơn với lao động bán hàng rong. Hy vọng lao động tự do có việc làm, kiếm tiền mưu sinh, nuôi gia đình.