Nữ bác sĩ sản phụ khoa Vân Anh làm việc tại Khoa Ngoại, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) của Việt Nam tại Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Vừa kết thúc nhiệm kỳ 1 năm trở về nước, Vân Anh đã trải qua một năm đáng nhớ, được cống hiến và đóng góp cho nhiệm vụ đầy tự hào.
Là nữ bác sĩ duy nhất của bệnh viện, chị rất vui vì được nhiều bệnh nhân, nhất là các nữ bệnh nhân coi như người bạn, người thân. Họ cảm thấy an tâm hơn khi được bác sĩ nữ thăm khám cho mình. Bệnh nhân của chị đa phần là phụ nữ có thai người Nam Sudan tới theo dõi thai kỳ.
Ngoài ra, một số nữ bệnh nhân có thai bị mắc các bệnh phối hợp thuộc chuyên khoa khác như thần kinh, tâm thần, viêm gan C, cúm… Nếu là bác sĩ chuyên khoa khác thăm khám, họ vẫn không quên hỏi nữ bác sĩ Vân Anh. Đáp lại sự yêu mến của bệnh nhân, mỗi lần như vậy, bác sĩ Vân Anh đều có mặt cùng với các đồng nghiệp khám bệnh và điều trị cho họ. Chị chia sẻ, vì điều kiện công tác, sinh hoạt ở địa bàn Bentiu đối với các nữ quân nhân cũng như nhân viên LHQ khá vất vả, thiếu thốn và nhiều nguy cơ, nên có bác sĩ nữ giúp họ yên tâm phần nào.
Những lần tới trại tị nạn tham gia các hoạt động quân dân kết hợp (CIMIC) hỗ trợ người dân, chứng kiến cuộc sống khốn khó của người dân nơi đây, nhất là thân phận người phụ nữ rất đáng thương, với nữ bác sĩ Vân Anh là những trải nghiệm giá trị và ý nghĩa về sứ mệnh GGHB LHQ mà chị và các đồng nghiệp góp phần tham gia.
Ở Nam Sudan, phụ nữ là lao động chính trong gia đình, không được ưu tiên học hành, lớn lên họ trở thành một nguồn tài sản cho bố mẹ, gia đình khi lấy chồng vì sẽ được nhà trai trả bằng bò và dê. Vì thế, bác sĩ Vân Anh cho biết, sự tham gia của các nữ quân nhân trong lực lượng GGHB LHQ rất được khuyến khích, sự xuất hiện của họ trong các hoạt động dân vận cũng như các chương trình giao lưu, chia sẻ sẽ mang lại những tác động ý nghĩa, giúp người dân nơi đây nhìn nhận lại vai trò, quyền, cũng như khả năng của người phụ nữ.
Tham gia tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ Nam Sudan, chị mong muốn sẽ giúp họ có ý thức quan tâm đến bản thân nhiều hơn và dần dần sẽ cải thiện được tình trạng bất bình đẳng giới.
Công việc ở bệnh viện không quá nhiều áp lực, nhưng các y, bác sĩ của BVDC 2.3 luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận các nhiệm vụ đột xuất được cơ quan y tế Phái bộ giao bất kể thời gian nào. Bác sĩ Vân Anh nhớ lại trong những ngày đầu năm mới 2022, bệnh viện bất ngờ được giao nhiệm vụ hỗ trợ Bệnh viện Bác sĩ Không biên giới (MSF) tại Bentiu thực hiện ca mổ lấy thai cấp cứu một ca suy thai tiên lượng xấu.
Ca mổ đã được thực hiện thành công tốt đẹp với kíp mổ "cơ động" được thành lập nhanh chóng. Nữ bác sĩ sản phụ khoa Vân Anh là một thành viên không thể thiếu cùng các bác sĩ khác và ê kíp gây mê, phụ dụng cụ.
Ngay sau khi thăm khám bệnh nhân, chị xác định đây là 1 ca khó, chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai. Đây là lần đầu tiên BVDC cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan thực hiện hoạt động hỗ trợ chuyên môn như vậy cho một bệnh viện tại địa bàn, nên cả kíp xác định nhiệm vụ ngay từ đầu bằng bất cứ giá nào cũng phải thành công.
Ca mổ phức tạp hơn cả dự định do bà mẹ bị gù vẹo cột sống nặng nề bởi di chứng lao cột sống, gây khó khăn trong khi mổ cũng như không thể vô cảm bằng phương pháp gây tê tủy sống mà phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ. Điều kiện dã chiến thiếu thốn, lại bất đồng ngôn ngữ gây khó khăn cho tư vấn cũng như trấn an bệnh nhân.
"Khoảng thời gian hồi sức sơ sinh cho em bé tôi thực sự rất lo lắng, hồi hộp, vừa phải tiếp tục ca phẫu thuật để cầm máu cho mẹ, vừa chờ đợi kết quả hồi sức sơ sinh. Khi nghe tiếng khóc đầu tiên của em bé, cả phòng mổ ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, thật khó để diễn tả niềm hạnh phúc của cả kíp lúc ấy", bác sĩ Vân Anh nhớ lại.
Sự phối hợp nhiệt tình và ăn ý của đồng nghiệp bệnh viện MSF trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ trong phòng mổ không đầy đủ đã góp phần giúp ca mổ suôn sẻ. Nữ bác sĩ trẻ Vân Anh cho biết đây là ca mổ sản đầu tiên ở Nam Sudan chị đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính.
Chia sẻ về những áp lực trong công việc, Vân Anh cho biết, do làm việc trong điều kiện dã chiến không đầy đủ phương tiện và trang thiết bị để chẩn đoán, nên đôi khi chị và các đồng nghiệp khá khó khăn để đưa ra quyết định nên làm gì tiếp theo, vì đôi khi ngay cả bệnh viện tuyến trên cũng không giải quyết được vấn đề.
"Chúng tôi luôn tâm niệm, trong khó khăn, thiếu thốn, càng phải làm sao để tốt nhất cho bệnh nhân, để họ cảm thấy thoải mái và yên tâm nhất có thể", nữ bác sĩ nói. Cũng như điều đồng nghiệp khác ở đơn vị, Vân Anh chọn cách đơn giản mà hiệu quả là tư vấn thật kỹ cho bệnh nhân những gì họ nên làm, cần làm, có thể làm tại Nam Sudan hay phải về nước để điều trị. Đối với các ca khó và phức tạp, Vân Anh và các đồng nghiệp đều tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa và xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia tại Việt Nam.
Bác sĩ Vân Anh với nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ đáng lẽ có mặt trong đội hình của BVDC 2.1 năm 2018 sang Nam Sudan nhưng vì chưa đủ số năm kinh nghiệm theo chuẩn LHQ nên chị đành tiếc nuối "lỡ hẹn" vào năm đó. Sau lần tham gia hụt BVDC 2.1, không từ bỏ mong muốn được thử sức ở nhiệm vụ mới đầy thử thách, Vân Anh miệt mài trau dồi ngoại ngữ và chuyên môn để có cơ hội tham gia các thê đội tiếp sau.
Có mặt trong đội hình BVDC 2.3, dù tuổi đời còn trẻ, Vân Anh được chỉ huy đơn vị và đồng nghiệp quý mến, tin tưởng không chỉ trong công việc chuyên môn mà cả trong các hoạt động phong trào. Nữ bác sĩ 9x được giao nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn kiêm Tổ trưởng Tổ phụ nữ. Chuỗi 12 hoạt động quân dân kết hợp, hỗ trợ người dân bản địa của BVDC 2.3 đều có sự tham gia tích cực của các Đoàn viên trẻ và các nữ quân nhân.
Trong các hoạt động phong trào ở đơn vị, Vân Anh luôn năng nổ, nhiệt tình và là một trong những hạt nhân thu hút sự tham gia của đông đảo các quân nhân trẻ, nhất là các hoạt động mang tính sáng tạo, phong trào văn hoá, văn nghệ, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh tươi. Với tài vẽ tranh, trang trí cảnh quan đơn vị và làm đồ thủ công khéo léo, Vân Anh là thành viên đắc lực của Nhóm Sáng tạo BVDC 2.3.
Vân Anh kể về Team 9x của mình gồm 11 bạn trẻ sinh năm 1991-1992 với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo không khí vui tươi giúp gắn kết đơn vị. Đơn giản chỉ là nấu những bữa sáng phở bò quê hương, tổ chức vui Tết Trung thu, làm bánh mứt, hay làm các món quà handmade tặng sinh nhật đồng nghiệp, bệnh nhân, bạn bè quốc tế… giúp mại lại niềm vui giản dị nhưng rất quan trọng ở nơi luôn cần nhiều sự chia sẻ và động viên.
Nhóm Sáng tạo không chỉ tham gia trang trí trong bệnh viện, mà còn đóng vai trò chính tổ chức các bữa tiệc trong những dịp lễ, Tết cũng như đón các khách VIP quốc tế của cơ quan Phái bộ. Các thành viên trẻ khéo tay được giao trang trí phòng họp của phái bộ, chuẩn bị trà nước, đồ ăn nhẹ… mỗi khi có đoàn khách quan trọng tới thăm và làm việc.
Đây cũng là những dịp để những người lính mũ nồi xanh trẻ tuổi ở BVDC giới thiệu văn hoá ẩm thực độc đáo của Việt Nam, mang Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Nhóm Sáng tạo được thành lập cũng xuất phát từ việc họ không muốn bỏ lỡ những khoảng thời gian quý báu ở Nam Sudan. Thời gian rảnh rỗi, Vân Anh và các đồng nghiệp chung sở thích thường tự tạo niềm vui cho mình, chủ yếu là thực hiện đam mê với những sản phẩm handmade các bức tranh bằng sỏi, thêu thùa, làm khung tranh…
Suốt cả nhiệm kỳ 1 năm, Vân Anh không về nước nghỉ phép để dành cơ hội cho các đồng nghiệp khác có gia đình, con nhỏ, bởi chị tham gia BVDC 2.3 cùng với chồng là Trung úy, bác sĩ Đỗ Thanh Tùng, Khoa Khám bệnh. Vân Anh cho biết, chị cũng không muốn bỏ lỡ thời gian trải nghiệm thật nhiều điều ở Nam Sudan. Tiếc do dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động bị hạn chế. Trong số chuỗi 12 hoạt động CIMIC của đơn vị, Vân Anh tham gia 11 lần và mỗi lần đều để lại cho chị nhiều cảm xúc về đất nước và con người Nam Sudan nghèo khổ vì chiến tranh, xung đột.
Nữ bác sĩ trẻ mong sẽ có dịp trở lại Nam Sudan để chứng kiến những thay đổi tích cực ở đất nước này sau những nỗ lực của lực lượng mũ nồi xanh LHQ, trong đó có những người lính mũ nồi xanh Việt Nam. Chị kể, chi đoàn bệnh viện đã thực hiện buổi hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, tăng gia và tặng hạt giống cùng một số nông cụ cho người dân bản địa.
Cùng với một số chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ tại địa bàn, người dân Nam Sudan đã bắt đầu tăng gia, trồng trọt để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Chị chia sẻ mỗi chuyến đi CIMIC chủ yếu có ý nghĩa về tinh thần, động viên khuyến khích người dân là chính, vì nguồn lực hạn chế nên không hỗ trợ được nhiều. Cái quý giá hơn chính là giúp họ có ý thức hơn trong việc tự nỗ lực để cải thiện cuộc sống khó khăn, cùng với đó là các kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ.
Trải qua 1 năm, cái nắng như thiêu đốt và khí hậu khắc nghiệt ở Nam Sudan khiến Vân Anh trông rắn rỏi hơn, khuôn mặt trẻ trung toát lên vẻ đẹp của ý chí và nghị lực. Chị cùng các đồng nghiệp đã góp phần đóng góp vào nhiệm kỳ thành công của BVDC 2.3, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ "đi dân nhớ, ở dân thương", nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua ở nơi tận cùng của khó khăn, nghèo đói vì xung đột.