Cây cầu gỗ có độ dài khoảng 30m là con đường độc đạo bắc qua dòng suối thượng nguồn sông Bạc, nối liền thôn Tân Thành, thôn Hố Sán (xã Hồ Thầu). Cây cầu có khoảng 20 năm nhưng từ 5 năm nay cầu xuống cấp trầm trọng. Giờ đây, mặt cầu không còn mảnh ván gỗ nào lành lặn. Hơn thế, nó có nhiều khoảng trống do ván gỗ bị mối mọt, gãy thủng.
Mặt cầu, những mảnh gỗ lớn nhỏ bị cắt mảnh, đứt đoạn được chắp vá, nối với nhau để bù đắp khoảng trống. Những chỗ bị mục quá, người dân đi qua nếu có được tấm gỗ họ liền đắp tạm.
Có đoạn gỗ bị mục một bên bản lề khiến cho ván gỗ không còn được bám chắc, nếu chẳng may ai đó dẫm chân phải thì không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra.
Những chiếc dây giằng thành cầu cũng đã gỉ sét. Mỗi khi có xe máy đi qua, cây cầu lại rung lắc dữ dội. Mặc dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng hàng này nó vẫn phải "oằn mình" chống chọi với dòng nước chảy xiết và mở đường cho người dân qua lại. Bởi đây là con đường tắt, nhanh nhất để người dân đi đến trung tâm xã và huyện.
"Đây là cây cầu trọng yếu nhất. Nếu đi đường vòng qua núi, người dân sẽ phải đi mất khoảng 6- 7 km. Biết nguy hiểm nên người dân đi qua cầu vô cùng cẩn thận. Thế nhưng, vì gỗ ván mục nên đã có những vụ tai nạn bánh xe lọt qua ván cầu, may mắn người vẫn bám được trên mặt cầu nên chưa xảy ra thương vong" – Ông Phạm Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết.
Ông Phạm Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu trao đổi với Báo NTNN/Điện tử Dân Việt về thực trạng cây cầu. Clip: Bảo Yến
Hồ Thầu là một trong những xã khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Nơi đây có 5 dân tộc anh em cùng chung sống là: Dao, Mông, Nùng, Kinh, Tày, trong đó dân tộc Dao chiếm thành phần chủ yếu.
Theo ông Hoàn, xã Hồ Thầu có 156 hộ nghèo (chiếm 35,54%), 98 hộ cận nghèo (chiếm 23,32%). Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địa hình dốc, chia cắt và người dân ở đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, hình thức canh tác còn thô sơ nên hiệu quả kinh tế thấp. Hàng năm, tình trạng người dân thiếu đói vào mùa giáp hạt vẫn diễn ra.
Vì vậy, việc thực hiện xã hội hóa tại chỗ để sửa cầu rất khó khăn.
"Mặt cầu được làm từ khoảng 10m3 gỗ. Đây là loại gỗ tạp, gỗ bìa nên chỉ một thời gian ngắn lại hỏng. Vì xã thuộc diện khó khăn nên kinh phí tu sửa cầu rất khó" – Phó Chủ tịch xã Hồ Thầu cho biết.
Giờ đây, mùa mưa đang đến, cây cầu lại càng trở nên trơn trượt, mối nguy hiểm lại càng tăng. Người dân nơi đây vẫn ngày ngày phải đi qua cây cầu treo nằm chênh vênh trên mặt suối.
Theo Phó Chủ tịch xã Hồ Thầu, một cây cầu mới đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân trên địa bàn xã Hồ Thầu dự tính có giá trị 150 triệu đồng.
"Cầu gỗ làm được một thời gian ngắn đã hỏng. Hơn nữa, nó còn liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Chúng tôi mong rằng có được sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có thể thay mặt cầu sang chất liệu bền hơn. Đây là một việc rất cấp thiết với bà con nơi đây" - Phó Chủ tịch xã Hồ Thầu bày tỏ.
Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ cầu treo xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì