Dân Việt

ĐBQH: Việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đình đốn vì "họ bận với sinh tử"

PVKT 13/06/2022 12:18 GMT+7
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng "do luật bị thiếu, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội nổi lên trục lợi, chấm mút, chia chác,... cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo để trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ.

Theo đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0 nhưng trong Luật Khám, bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa được đề cấp rất ít và nửa vời.

"Chúng tôi đã góp ý nhiều lần việc quy định như vậy là không đủ, là thiếu tầm nhìn và nếu Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này nếu được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra", đại biểu Trí nêu.

ĐBQH: Việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đình đốn vì "bận với sinh tử" - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. (Ảnh: QH_

3 bất cập đã được đại biểu Trí đề cập cụ thể.

Một là, hoạt động khám chữa bệnh từ xa không phát triển được ở Việt Nam. Người dân nhất là những người ở vùng sâu vùng xa sẽ không có cơ hội khám chữa bệnh thầy thuốc giỏi, tiếp cận được các dịch vụ y tế hiện đại, hiện tượng xếp hàng chờ đợi khám, chữa bệnh tại bệnh viện lớn khó giảm bớt... khám chữa bệnh của Việt Nam khó hội nhập quốc tế, y tế Việt Nam bị đẩy lùi hàng chục năm.

Hai là, hoặc ai làm dám làm để giúp cho bệnh nhân lại thiếu đi hành lang pháp lý nên quy là làm sai, vi phạm.

Bà là, do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ chặt chẽ đó là cơ hội để cho việc làm xấu phát triển, để lòng tham nảy nở, để trục lợi bảo hiểm xảy ra, hiện tượng móc túi người dân hoành hành.

Do đó, đại biểu Trí đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập tại điều 55.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật những bây giờ.

Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa.

Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.

Đại biểu Trí nêu thực tế, cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Theo đại biểu, những quy định của luật pháp, không còn phù hợp với chống dịch đã bó tay ngành y không thỏa mãn với những gì ngành y đóng góp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc.

Bên cạnh đó, do luật thiếu, sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội nổi lên trục lợi, chấm mút, chia chác,... cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý – đại biểu nêu.

Cũng theo ông Trí, y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường chống dịch Covid trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay bại hoại, buông tay đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm vật tư, thuốc men, sinh phẩm bị đứt gãy nghiêm trọng vì nhà thầu dè dặt cung cấp; các công ty nhà thầu thẩm định tạm nghỉ hoặc tan vỡ và việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế bị đình đốn vì họ còn phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ thanh tra, điều tra. Từ đó, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bị ảnh hưởng lớn.

ĐBQH: Việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đình đốn vì "bận với sinh tử" - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp sáng 13/6. (Ảnh: QH)

Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.

Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.

Đồng thời, ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp luật như Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật đấu thầu mua sắm, Luật tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…