Dân Việt

Cua Cà Mau đang hồi sinh, cua Năm Căn nổi tiếng khỏi bàn, nhưng cua của xã nào mới là "đỉnh của chóp"?

Hải Nguyên 16/06/2022 06:00 GMT+7
Ông Toàn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) dự đoán: “Chỉ cần 1, 2 tháng nữa thôi, sản lượng cua sẽ trở lại mức ổn định, riêng chất lượng con cua Lâm Hải thì từ xưa giờ vẫn là hảo hạng. Dù dịch bệnh cua chết xảy ra năm nay nặng nề hơn, nhưng bà con vùng này vẫn coi con cua là nguồn thu nhập quan trọng”.

Cua Năm Căn là thương hiệu danh tiếng của xứ Cà Mau. Trong chiến lược dài hạn, cua là 1 trong 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Theo kế hoạch, năm 2022, lần đầu tiên Cà Mau tổ chức Ngày hội cua Cà Mau với mục tiêu quảng bá, nâng tầm loại sản vật này tại thủ phủ cua ngon Năm Căn. 

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, tình trạng cua chết xảy ra tập trung tại các vùng nguyên liệu chính của cua Cà Mau như Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nông dân mà còn kéo theo nỗi lo trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện quan trọng sắp diễn ra.

Cua chết, nông dân lo lắng

Ghi nhận tại xã Lâm Hải, vùng nguyên liệu cua chủ lực của Năm Căn với hơn 5.000 ha, tình trạng cua chết khiến nông dân đứng ngồi không yên. 

Ông Nguyễn Việt Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải, cho biết: “Tình trạng cua chết nhiều chỉ xảy ra vài năm trở lại đây. Đầu năm 2022, cua chết diễn ra diện rộng, thiệt hại ước tính khoảng 90% sản lượng cua trong vuông nuôi của bà con”.

Mô tả về hiện tượng cua chết, ông Khánh cho biết: “Thông thường, mùa nắng là mùa cua sinh trưởng mạnh, chất lượng tốt nhất, nhưng hiện tượng cua chết lại diễn ra đúng sau Tết, rất lạ. Cua đem lên thì run rẩy, sau đó rụng càng, chân, rồi chết. Những con sống thì chất lượng thịt bị ảnh hưởng, không thơm ngon nữa. Mùa cua vừa qua, nông dân Lâm Hải gần như thất thu hoàn toàn nguồn lợi từ cua”.

Cua Cà Mau đang hồi sinh, cua Năm Căn nổi tiếng khỏi bàn, nhưng cua của xã nào mới là "đỉnh của chóp"? - Ảnh 2.

Cua Cà Mau, sản vật mang lại danh tiếng, niềm tự hào cho quê hương. Ảnh: HUỲNH LÂM.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, rầu rĩ: “Chất lượng cua ở Lâm Hải vào loại ngon nhất của Năm Căn, cũng là nguồn thu nhập chính của bà con bên cạnh con tôm. Nhưng khoảng 3 năm nay, cua chết ngày càng nhiều, nông dân nuôi cua ai cũng buồn thiu. Nếu cứ thế này thì bà con bỏ nghề làm vuông quá”.

Là người thu gom cua để xuất bán, bà Dung chia sẻ: “Đi khắp xã mà mua được có bao nhiêu đâu, chất lượng cua cũng không còn như trước nữa. Bà con còn tiếc hơn vì giá cua ở mức cao, duy trì ổn định mà không có cua để bán”.

Chính ông Dư Minh Hùng, Bí thư Huyện uỷ Năm Căn, cũng rất trăn trở: “Ngày hội cua chỉ vài tháng nữa diễn ra, tình trạng cua chết diện rộng khiến địa phương lo lắng. Công tác khôi phục vùng nguyên liệu cua đang là ưu tiên lớn của địa phương”.

Mặc dù nguyên nhân cua chết tại Cà Mau đã được ngành chức năng công bố, tuy nhiên, với một nông dân tâm huyết với con cua Năm Căn, ông Lê Văn Mạnh, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp Phát, vẫn băn khoăn: “Nếu nói là dịch bệnh trên cua thì rõ rồi, nhưng cái lạ là sao dịch bệnh chỉ có một số vùng thôi, ở chỗ khác cua không bị ảnh hưởng nhiều. Phải chăng ngoài dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm mới là nguyên nhân sâu xa hơn?”.

Cũng theo ông Mạnh, HTX Tân Hiệp Phát đã xây dựng thương hiệu cua đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhưng mọi hoạt động đầu năm 2022 bị đóng băng vì nguồn cua nguyên liệu thiếu hụt. Những đơn hàng, hợp đồng lớn của khách hàng gởi đến, HTX không dám nhận.

TÍn hiệu cua hồi sinh

Với sự vào cuộc quyết liệt của Năm Căn, trong đó có vai trò chủ trì của ngành nông nghiệp, các vùng nguyên liệu cua chính đã được hà hơi, tiếp sức, tái khởi động vụ mùa mới, hướng đến sự kiện quan trọng để tôn vinh cua Cà Mau.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hải, thông tin: “Ngành nông nghiệp huyện đã về làm việc, kiểm tra thực tế tình hình vùng nguyên liệu cua của địa phương. Điều đáng mừng là kể từ khi bắt đầu mùa mưa, hiện tượng cua chết giảm, sản lượng và chất lượng cua đều cải thiện đáng kể, có thể nói đạt khoảng 70%”.

Ông Tiêu Minh Đương, Trưởng ấp Trường Đức, xã Lâm Hải, đánh giá: “Rất may là con cua trong vuông tôm đã bắt đầu có tín hiệu hồi sinh. Tuy nhiên, cũng phải mất 4-5 tháng thì cua mới đạt đến độ sinh trưởng, chất lượng tốt nhất. Anh em ở ấp động viên bà con nỗ lực hơn nữa trong việc tái khôi phục vụ cua mới, thực hiện các biện pháp bảo vệ cua của ngành chức năng khuyến cáo, gìn giữ sự tự hào của quê hương, cũng là vì sinh kế của nông dân”.

Tại cơ sở thu mua cua của ông Tô Thanh Toàn, nhịp điệu sôi động đã bắt đầu trở lại. Ông Toàn dự đoán: “Chỉ cần 1, 2 tháng nữa thôi, sản lượng cua sẽ trở lại mức ổn định, riêng chất lượng con cua Lâm Hải thì từ xưa giờ vẫn là hảo hạng. Dù dịch bệnh cua chết xảy ra năm nay nặng nề hơn, nhưng bà con vùng này vẫn coi con cua là nguồn thu nhập quan trọng”.

HTX cua Tân Hiệp Phát cũng mạnh dạn tìm hướng mới để nâng cao giá trị mặt hàng cua. Ông Lê Văn Mạnh tiết lộ: “HTX đang kết nối hợp tác để thử nghiệm sản xuất mặt hàng cua 2 da. Nếu thành công, con cua Năm Căn sẽ mang lại lợi nhuận, danh tiếng trên thị trường. Về lâu dài, ngành chức năng phải thật sự quan tâm, đồng hành để bảo vệ vùng nguyên liệu cua một cách căn cơ, triệt để. Chớ cứ để tình trạng cua chết từ năm này sang năm khác như gần đây là không ổn một chút nào”.

Trong câu chuyện của mình, ông Mạnh thổ lộ: “Tôi gắn bó với con cua từ năm 1982, chỉ 3 năm trở lại đây cua mới chết nhiều như vậy. Thiệt hại kinh tế là rõ rồi, nhưng lo nhất là một số thương lái vì thiếu nguồn hàng, nhập cua từ nơi khác về, trộn lẫn, dán mác cua Cà Mau. Cách làm ăn gian dối này sẽ tổn hại nặng nề danh tiếng, uy tín và chỗ đứng của cua Cà Mau, đó mới là điều quan ngại nhất”.

Để cua Năm Căn mãi là niềm tự hào, là tương lai của nông dân, con cua, người nông dân Cà Mau đang trông chờ vào những giải pháp vừa trúng, vừa kịp thời và mang tính bền vững cho các vùng nguyên liệu từ các cấp, ngành, địa phương và nhà khoa học. 

Phía trước là một dấu mốc quan trọng với cua Cà Mau, ở đó, con cua sẽ làm rạng danh quê hương. Để nhắn gởi thông điệp duyên dáng rằng, khách về Cà Mau chưa thưởng thức cua thì coi như lỡ cả một chuyến đi.